Để dành thời gian cho công việc cũng như thấy được trách nhiệm của mình, Thượng úy Trần Nhật Hoàng đã bàn với vợ rồi quyết định rút gọn việc tổ chức đám cưới của mình từ một ngày thành chưa đến một buổi, sau đó tiếp tục về công tác theo tổ cấp CCCD gắn chíp lưu động tại địa bàn cơ sở.
Trước ngày cưới, mọi công tác chuẩn bị Hoàng đều nhờ gia đình hai bên và vợ chuẩn bị, ngay cả việc viết và gửi thiệp hồng cũng phải nhờ anh em, đồng đội ở đơn vị giúp để bản thân dành trọn thời gian làm CCCD.
Trung tá Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TX Ba Đồn cho biết, ngày 24/3, Hoàng tổ chức lễ thành hôn, nhưng đến hơn 17h ngày 23/3, Hoàng mới xin phép chỉ huy đội và đơn vị nghỉ để lo việc.
Thượng úy Trần Nhật Hoàng lấy vân tay cho người dân. |
Lễ cưới của Hoàng, anh em trong tổ cấp CCCD lưu động cũng đến không trọn vẹn vì không thể dừng máy được bởi người dân đến chờ làm rất đông. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm đó khi tổ lưu động đang làm tại địa bàn xã Quảng Tiên thì một đồng chí ốm đột xuất, không có ai lăn tay được khiến cả tổ phải dừng làm việc hơn 2 tiếng. Nhận được thông tin, Thượng úy Hoàng đã sắp xếp việc gia đình để cùng trở lại với những người đồng đội.
Thượng úy Hoàng tâm sự, “cứ nghĩ đến việc có những đồng đội của mình lâu chưa về nhà, ăn những bữa ăn vội vàng và tận tâm không quản ngày đêm để làm việc, thậm chí đồng chí bị ốm mà cũng không dám nằm viện vì không có ai thay, mà nếu chỉ dừng một khâu thì cả dây chuyền cấp CCCD lưu động phải dừng lại làm người dân phải chờ đợi, ảnh hưởng đến chỉ tiêu đề ra đã khiến cá nhân tôi day dứt và quyết định sớm trở lại để hỗ trợ cùng đồng đội”.
Hàng ngày, làm cái việc dường như không gì mới, đòi hỏi sự kiên trì, chính xác và sự tập trung cao, đặc biệt được “cầm tay” hơn 400 người lăn vào máy là việc làm không hề đơn giản, nhưng Thượng úy Hoàng vẫn luôn thể hiện sự năng nổ, nhiệt tình trong tất cả công việc được giao. Hoàng luôn là người có mặt sớm nhất và cũng là người cuối cùng được nghỉ ngơi, có thời điểm trắng đêm để chờ giao ca và cũng có hôm phải thế ca luôn cho đồng đội vì nhà có việc. Ai cũng băn khoăn, cảm thông và động viên Hoàng nên dành thời gian của đôi vợ chồng trẻ, Hoàng đã không ngại ngùng chia sẻ, khi chính người vợ mới cưới luôn động viên để Hoàng được làm trọn bổn phận người chiến sỹ Công an.
Trung tá Phạm Thị Thúy Hằng kể lại, giai đoạn đầu việc làm quen với hệ thống máy, quy trình cấp lưu động khiến anh em mất khá nhiều thời gian, chỉ tiêu hằng ngày hạn chế nên anh em luôn “căng mình” để khắc phục, rút kinh nghiệm. Để gỡ khó, Hoàng mày mò, vận dụng cách làm mới sáng tạo, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Từ lấy dấu vân tay, chụp ảnh, nhập hồ sơ... Dường như với Hoàng không có khái niệm về thời gian, sự hăng say của Hoàng khiến anh em trong tổ “lo lắng”.
Đáng nhớ nhất là trong đêm 18/4, trong lúc đang tiến hành cấp CCCD lưu động tại xã Quảng Văn thì Hoàng bị sốt và phải đi truyền nước tại Trạm y tế. Khi nằm truyền trên giường bệnh, Thượng úy Hoàng đã mạnh dạn xin phép sáng mai cho mình tiếp tục được quay trở lại tổ công tác để làm việc vì công việc đang dở dang. Hành động này khiến anh em trong tổ công tác khi tranh thủ lên thăm Hoàng tại Trạm y tế ai cũng nghẹn ngào và dường như chung một sự đồng cảm.
Nhờ những sự nỗ lực này mà có thời điểm, tổ lưu động mà Thượng úy Hoàng tham gia đã “phá kỷ lục” của toàn tỉnh với 2 máy lên con số trên 800 hồ sơ cấp CCCD hoàn thiện trong ngày. Anh em trong tổ công tác ai cũng mệt rã rời, nhưng cùng chung niềm vui là đã vượt qua chính mình.
Thượng úy Hoàng khi nằm trên giường bệnh nhưng vẫn xin được quay trở lại vị trí để thực hiện nhiệm vụ. |
Thượng úy Hoàng chia sẻ, “có hôm đã hơn 3h sáng khi mấy anh em trong tổ hoàn thiện việc nhập hồ sơ cuối ngày thì vẫn có người đến. Mong muốn của bà con là tranh thủ được làm nhưng lại ngại nói ra, biết những gì bà con cần nên tổ công tác chúng tôi là tiếp tục mở máy và cứ thế xuyên suốt đến sáng hôm sau”.
Khi biết về câu chuyện của Thượng úy Hoàng trong “chiến dịch” với những “con số, đường vân” này đã khiến chúng tôi không khỏi xúc động, khâm phục sự nỗ lực và đức tính sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì nhiệm vụ của Hoàng. Hoàng kể lại, từng có kinh nghiệm 2 năm phụ trách công tác cấp CCCD nên hiểu được sự vất vả công tác cấp CCCD, đặc biệt khi mới bắt đầu việc triển khai thực hiện cấp CCCD gắn chíp lưu động, với những yêu cầu đòi hỏi phải đảm bảo sự chính xác, kiên trì và sự sắp xếp khoa học. Những ngày đầu, anh em trong tổ lưu động làm việc đến hơn 3h sáng hôm sau, cán bộ thì ít còn số lượng người dân đông, nhiều đồng chí chưa có nhiều kinh nghiệm và nắm vững được các quy trình cấp CCCD nên anh em vất vả lắm.
Đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của những người đồng đội, Thương úy Trần Nhật Hoàng (đang là cán bộ Công an xã Quảng Văn) đã tình nguyện viết lá đơn để xin tham gia các tổ cấp CCCD và được chỉ huy đơn vị điều động về tăng cường tại Đội Cảnh sát QLHC về TTXH.
Thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an TX Ba Đồn, Quảng Bình cho biết, trong thời điểm thực hiện “chiến dịch” có những cán bộ mong muốn thay đổi vị trí công tác để tránh sự áp lực, vất vả và gian khổ thì Thượng úy Hoàng chính lại lăn xả, hăng say với công việc là tấm gương sáng, tinh thần của người chiến sỹ Công an “Vì Nhân dân phục vụ” và nhân tố rất quan trọng trong tập thể toàn đơn vị.
Câu chuyện của người chiến sỹ Cảnh sát QLHC về TTXH “bà con vẫn còn thức thì chúng tôi vẫn còn phục vụ”, luôn dành trọn thời gian, sức lực cho “chiến dịch” cấp CCCD tại địa bàn cơ sở đã để lại những điều bình dị, nhưng cũng đầy những cảm xúc về người chiến sỹ Công an… Vẫn còn đó là nụ cười hồn nhiên sau bữa cơm vội ngay tại địa điểm cấp CCCD lưu động, Thượng úy Hoàng lại vui vẻ bắt tay vào công việc giữa cái trưa nóng nực, cùng toàn đội tiếp tục lên “dây cót" tinh thần để lại tiếp tục tiến về phía trước, quyết tâm hoàn thành mọi nhiều vụ mà đơn vị và nhân dân giao phó. |
Tác giả: Tr.Tuấn– H.Quang
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân