Thể thao

Các tuyển thủ U23 Việt Nam và thách thức đằng sau ánh hào quang

Lên đỉnh cao đã khó, trụ lại ở đỉnh cao càng khó hơn. Các tuyển thủ U23 Việt Nam thành công vang dội sau VCK U23 châu Á, hầu hết trở thành ngôi sao của bóng đá nội. Dù vậy, làm gì để giữ vững phong độ từ thời điểm này mới là thách thức lớn cho nhiều người.

Thành công luôn song hành với vinh quang, nhưng điều quan trọng hơn nữa là trên đỉnh vinh quanh, các tuyển thủ U23 Việt Nam đừng loá mắt.

Sẽ có hàng loạt lời chào mời và sẽ có hàng loạt hợp đồng quảng cáo mở ra trước mắt các cầu thủ. Thành ra, vấn đề lớn nhất với nhiều ngôi sao mới nổi của bóng đá Việt Nam, sau giải U23 châu Á, là giữ đúng đôi chân trên mặt đất.

Đơn cử, sau khi trở về từ giải U23 châu Á, với phong độ chói sáng ở giải đấu ấy cùng ngôi Á quân với đội tuyển U23 Việt Nam, thủ môn Bùi Tiến Dũng giờ đã thành một thương hiệu trong bóng đá nội, và thực tế đã có đơn vị đứng ra nhận làm đại diện hình ảnh của thủ môn này.

Làm gì để trụ lâu trên đỉnh vinh quang là thách thức với nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam vào lúc này

Tuy nhiên, vấn đề là phía muốn trở thành đại diện hình ảnh cho thủ môn Tiến Dũng lại “đi tắt”, chưa thông qua CLB chủ quản của thủ thành đang khoác áo FLC Thanh Hoá. Bản thân Tiến Dũng cũng hơi vội trong trường hợp này, dẫn đến những bất đồng và tranh cãi xuất hiện mấy ngày gần đây giữa các bên, đến mức CLB FLC Thanh Hoá có lúc còn đòi kiện đơn vị “rao giá” quảng cáo cho Tiến Dũng.

Đấy cũng là vấn đề chung của nhiều cầu thủ Việt Nam lâu nay, vài trường hợp nổi tiếng nhanh quá, nên dễ mất kiểm soát trong việc cân bằng giữa chuyên môn và khai thác hình ảnh cá nhân.

Biết cách khai thác hình ảnh cá nhân là tốt, vì đấy cũng là một nguồn thu nhập của cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng trước tiên, việc khai thác hình ảnh cá nhân của từng cầu thủ không thể va chạm với quyền lợi của CLB chủ quản, càng không nên làm ảnh hưởng đến sự tập trung vào chuyên môn của chính cầu thủ đấy.

Đã có khá nhiều trường hợp “sớm nở, tối tài” ở chính bóng đá Việt Nam, như Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh… Họ lên nhanh, xuống cũng nhanh, vì họ có những thời điểm mất phương hướng sau khi trở thành người nổi tiếng, không biết cách cân bằng giữ quyền lợi cá nhân và quyền lợi của CLB chủ quản, cũng không biết cách cân bằng giữa chuyên môn và cuộc sống bên ngoài chuyên môn.

Hầu hết các tuyển thủ U23 Việt Nam hiện nay có lợi thế rất lớn, đó là họ được đào tạo bài bản, đến từ những học viện bóng đá coi trọng cả việc đào tạo chuyên môn lẫn tác phong cho các cầu thủ trẻ.

Thế nên, hy vọng rằng các ngôi sao mới nổi hiện tại biết cách cân bằng giữa các mối quan hệ, đồng thời biết đâu là giá trị quan trọng nhất của một cầu thủ chuyên nghiệp, để tiếp tục phát huy giá trị đấy, thay vì sao nhãng vào những vấn đề ngoài chuyên môn!

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP