Phóng viên làm việc với chính quyền Thị trấn Quán Hàu |
Người dân rơi vào cảnh khốn cùng
Theo tìm hiểu của PV, những người dân tại Tiểu khu 1 và Tiểu khu 3, Thị trấn Quán Hàu đã nhiều lần làm đơn thư gửi các cấp chính quyền địa phương với hy vọng sẽ nhận được số tiền đền bù một cách công bằng.
Ông Lê Xuân Hoa (Tiểu khu 1 - Thị trấn Quán Hàu - Quảng Ninh - Quảng Bình) cho biết: “Tôi thấy rất bất công vì trên dòng sông Nhật Lệ, ở đầu nguồn và cuối nguồn, họ đền bù bằng diện tích mặt nước và hỗ trợ 6 tháng lao động, chỉ có Thị trấn Quán Hàu, mặc dù, nằm ở giữa, nhưng chỉ được đền bù bằng công lao động. Hằng năm, tổng chi phí của gia đình tôi đã là 400 triệu đồng, mà số tiền đền bù nhận theo cách tính này chỉ được hơn 11 triệu đồng.”
Bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền giống và thức ăn chăn nuôi, chăm chút từng ngày đợi chờ thành quả lao động với hy vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn, rồi nguồn nước bị đầu độc, hải sản chết hàng loạt, kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 9, số hải sống sót cũng không thể bán cho ai, người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Tâm sự với chúng tôi, người thương binh Võ Huy Tâm (Tiểu khu 3 - Thị trấn Quán Hàu)cho biết: “Số tiền gần 300 triệu đầu tư vào nuôi cá là mất trắng. Chúng tôi không biết làm gì để duy trì cuộc sống khi mà khó khăn lại chồng chất khó khăn.”
Bà Võ Thị Ly Na, Tiểu khu 3 bức xúc: “Chính cách giải quyết thờ ơ từ phía chính quyền mà dân chúng tôi càng thêm đói khổ”. Trong khi đó, vì làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền để mong nhận được sự công bằng, chính gia đình bà Ly Na lại bị loại khỏi danh hiệu “gia đình văn hóa”!
Một trong số các hộ có kê khai tỷ lệ thiệt hại trên 70% |
Chính quyền thừa nhận thiếu sót
PV đã đến UBND Thị trấn Quán Hàu và gặp ông Lê Bá Trưng - Chủ tịch UBND Thị trấn, ông Hoàng Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo đền bù sự cố môi trường biển, ông Đoàn Văn La - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Phùng Văn Nhiên - Phó Chủ tịch Thị trấn, cùng Tiểu Khu trưởng của Tiểu khu 1 và 3 và cán bộ địa chính nông nghiệp. Trả lời cho vấn đề đền bù cho dân sau sự cố môi trường biển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thừa nhận, ban đầu, không hề biết cá chết vì sự cố môi trường, nên khi biết thủy sản chết hàng loạt, ông có xuống địa bàn để xem xét tình hình nhưng cũng không lập biên bản cá chết cho người dân!
Còn Chủ tịch UBND Thị trấn Lê Bá Trưng cũng khẳng định, tại đây, không hộ nào có số lượng cá, thủy sản chết trên 70%. Nhưng tại bản kê khai phóng viên nhận thấy, có một số hộ đã ký và tích vào phần xác nhận tỷ lệ thiệt hại là trên 70%. Hỏi về sự không thống nhất giữa báo cáo và thực tế văn bản này, ông Trưng nói: “Có thể là họ nhầm, nhưng mọi người đều thống nhất là cá chết dưới 70%”?!
Nhưng trái với khẳng định và “dự đoán” của Chủ tịch UBND Thị trấn, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Phùng Văn Nhiên lại khẳng định: Có thể nói việc thủy sản của người dân chết là 100% bởi từ tháng 5, cá chết 70% nhưng từ tháng 5 đến tháng 10, cá vẫn chết hoặc còn sống mà không tiêu thụ được, chính quyền kiến nghị với người dân không nên ăn. Một sự mâu thuẫn đến phi lý giữa văn bản và cách giải thích của hai lãnh đạo thị trấn Quán Hàu.
Về thông tin người dân phản ánh, có một số trường hợp được bồi thường không đúng đối tượng. Chủ tịch UBND Thị trấn Quán Hàu cho biết: “Khi có ý kiến của người dân, chúng tôi phải thành lập tổ xác minh và đưa ra 45 đối tượng khỏi trường hợp được đền dù đã có quyết định tạm thời của huyện”. Còn đối với việc sợ mất gia đình văn hóa và con cái không được tạo điều kiện, nên nhiều người chịu thiệt, không khiếu nại, ông Phùng Văn Nhiên, Phó Chủ tịch khẳng định: “Không có chuyện gây khó dễ cho công dân”.
Xoay quanh vấn đề bồi thường và các điều kiện để được bồi thường, ông Nhiên cũng công nhận việc người dân đề xuất là có cơ sở vì theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT yêu cầu phải có biên bản tại thời điểm cá chết, người dân không bao giờ có, vì khi thiệt hại, họ nghĩ rằng do dịch bệnh và tìm mọi cách cứu chữa, chứ họ không nghĩ do sự cố môi trường biển.
Vị này cũng thừa nhận, chính sách của Bộ NN&PTNT là không sát với thực tế dẫn đến quá trình thực hiện có rất nhiều khó khăn, cụ thể là việc địa phương không thể xác định được tỷ lệ là bao nhiêu %.
Theo kinh nghiệm của những người dân nuôi trồng thủy sản, thông qua viêc thủy sản chết nổi để tính thiệt hại là không thể hiện hết được bản chất, bởi còn một lượng lớn thủy sản chết và chìm dưới đáy, chưa kể kích thước và độ tuổi của từng con giống, nếu quá nhỏ sẽ không thể định lượng được.
Sự việc cá chết, dân phải được đền bù, kinh phí thì đã được cấp là câu chuyện đã quá rõ ràng. Song với kiểu cách quản lý này, người dân chỉ biết than trời bởi mất, quá nhiều mà thu về chỉ vài đồng; nguyên nhân thiệt thòi này lại không thuộc về họ, không thuộc về chính sách. Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Bình cần vào cuộc điều tra làm rõ sự việc, tránh để khiếu kiện kéo dài và những dư luận không tốt về một chính sách thiết thực mà Chính phủ đang cố gắng hỗ trợ cho người dân nơi đây.
Tác giả: Linh Anh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường