Liên quan đến 2 Nghị quyết của Trung ương về y tế, thông tin với báo chí, Phó Tổng cục trưởng tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân cho biết, trong dự thảo Nghị quyết về dân số, Nhà nước sẽ không đặt vấn đề tiếp tục giảm sinh.
"Trước mắt vẫn duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, vận động giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vận động sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp, đảm bảo quy mô dân số năm 2030 ở mức 104 triệu người, năm 2049 đạt 113-115 triệu người", ông Tân thông tin.
Trước câu hỏi có cho phép sinh 3 con ở nơi mức sinh thấp, ông Tân khẳng định: “Đó là quyền của người dân nên không có khống chế, không có yêu cầu người dân được sinh bao nhiêu con”.
Pháp luật không có quy định khống chế người dân được sinh bao nhiêu con. (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, ông Tân giải thích, kể từ Nghị quyết dân số năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế người dân được sinh bao nhiêu con, trừ nhóm đối tượng Đảng viên. Trước năm 2008, từng địa phương ra quy định cụ thể với nhóm Đảng viên. Nhưng từ năm 2008, Trung ương đã có quy định 94, thống nhất hình thức kỷ luật, cụ thể nếu Đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, con thứ 4 bị khai trừ. Đến năm 2013, quy định này tiếp tục được nới lỏng, sinh con thứ 5 mới bị khai trừ.
Ông Tân cho biết, Nghị quyết nói rõ sẽ tiếp tục có lộ trình, từng bước sửa đổi các quy định xử lý vi phạm về mức sinh với Đảng viên. Hiện tại còn 7 tỉnh có quy định này.
Trước lo lắng tỉ lệ sinh tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, ông Tân cho rằng, Việt Nam không để mức sinh xuống quá thấp mới điều chỉnh chính sách, nên không lo giống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản...
Ông Tân thông tin thêm, trong khảo sát mới nhất với 700.000 người, có trên 8% vẫn muốn có nhiều hơn 3 con, 9,3% muốn có 3 con, 73% muốn có 2 con và 8,3% muốn có 1 con. “Nếu trường hợp tỉ lệ sinh tiếp tục giảm, Trung ương sẽ có điều chỉnh các chính sách tiếp theo”, ông Tân nói.
Đại diện tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhận định: “Khi nới lỏng chính sách sinh con, từng bước sửa đổi các quy định về mức sinh với Đảng viên, cùng với các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội... thì động lực lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm dần”.
Đáng lưu ý, ông Tân thông báo, bộ Y tế có đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số. Theo ông Tân, tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu.
Tác giả: N.Giang
Nguồn tin: Báo Người đưa tin