Nhặt bóng, bán báo dạo để kiếm tiền đi học
Phạm Đình Chiến sinh năm 1984 tại Vĩnh Phúc, sau một sự cố gia đình khiến anh không thể tiếp tục theo học, phải lên Hà Nội tìm việc làm khi mới 12 tuổi. “Lần đầu lên Hà Nội mình còn bị lạc, phải phụ rửa bát thuê kiếm sống vài ngày tại bến xe. Sau đó, mình mất cả đêm để tìm đến địa chỉ được một người bạn giới thiệu, may mắn được một anh cảnh vệ tại Lăng Bác đưa đến tận nơi. Sau khi trình bày hoàn cảnh thì mình đã được nhận vào tổ bán báo xa mẹ, mình nhớ khi ấy là năm 1996” - Chiến chia sẻ.
Tại đây, Chiến được tạo điều kiện chỉ phải đi làm nửa buổi (bán báo từ 4h sáng đến 11h trưa), còn nửa buổi dành cho việc học, ôn bài và cả học nghề tại nhà. “Mình thấy may mắn khi được tạo điều kiện vừa có việc làm vừa được tiếp tục việc học. Khi mình học hết cấp 2, sang đến cấp 3 thì được một cô người Ý đỡ đầu tài trợ cho việc học” - anh Chiến nhớ lại những ngày đầu lên Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2004, Chiến miệt mài ôn thi để thi đại học.
Do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên năm ấy Chiến trượt đại học. Không nản chí, Chiến tiếp tục ôn tập và thi đỗ khoa Kinh tế Đối ngoại - ĐH Ngoại thương. Để có tiền trang trải cho việc học, Chiến nhận làm thêm đủ mọi nghề từ nhặt bóng tennis với giá 6.000 đồng/giờ cho đến phục vụ nhà hàng hay thậm chí lái xe taxi. Vừa quay cuồng với việc làm, Chiến vừa phải đảm bảo việc học tại trường.
Nhờ sự ham học hỏi, thật thà, chịu khó nên dù làm ở đâu Chiến cũng được tạo điều kiện để vừa làm việc nhưng vẫn đảm bảo cho việc học. Mỗi tuần, Chiến phụ lái taxi khoảng 2-3 ngày, mỗi ngày làm từ 3-4h chiều đến 23h đêm. Tốt nghiệp đại học, Chiến may mắn có được công việc tại một tập đoàn môi giới bất động sản với mức lương đủ trang trải cho cuộc sống khi vừa mới ra trường.
Sau 3 năm làm việc, Chiến được một người bạn Ý tư vấn và tìm hiểu sâu hơn về những ngành học tại đất nước này và anh quyết định chọn theo học ngành nghề gia tác khuôn mẫu phi kim loại. Năm 2012, Chiến chính thức sang Ý để theo học khóa học kéo dài 6 tháng tại trường Ende di Italia về gia tác khuôn mẫu phi kim loại. Sau 6 tháng miệt mài học tập, anh kết thúc khóa học với kết quả tốt và được nhận làm tu nghiệp sinh tại một công ty ở Ý hơn 1 năm, với mức lương hơn 3.000USD/tháng.
Ấp ủ về những mẫu son thương hiệu Việt
Mặc dù vậy, trong thâm tâm Chiến vẫn ấp ủ một hoạt động kinh doanh riêng tại quê hương. “Lúc ấy với suy nghĩ của người trẻ, mình chỉ mong muốn được trở về để cống hiến cho quê hương đất nước chứ thực sự không muốn ở lại Ý. Đó là một cơ hội tốt, một công việc tốt nhưng mình chưa bao giờ hối hận về quyết định đó” - Chiến chia sẻ. Trở về nước năm 2014, Chiến lập tức vào TP.HCM để tìm hiểu và cọ xát thị trường. Chính lúc này công việc đã đưa Chiến đến với những chiếc khuôn son thủ công.
Trong thời gian làm việc tại TP.HCM, Chiến tình cờ vào một diễn đàn mua bán trên mạng và rất thích thú trước những chiếc khuôn để làm son thủ công. Nhận thấy những chiếc khuôn bằng inox giá cao (hơn 1 triệu đồng/chiếc khuôn 4 lỗ), phải nhập toàn bộ, lại không tiện lợi nên Chiến đã nghĩ đến việc sẽ làm một công cụ khuôn của người Việt với tiêu chí bền, tiện và rẻ.
Nghĩ là làm, Chiến bắt tay vào việc lựa chọn nguyên vật liệu để chế tác. Với những đặc tính vượt trội cùng những kiến thức được học, Chiến đã chọn chất liệu silicone để chế tác khuôn. “Silicone dễ tạo hình khuôn, định hình tốt, chống dính tốt và đặc biệt là tạo độ bóng cho son rất tốt. Mình đã thử nghiệm và thành công với mẫu khuôn silicone chỉ sau nửa tháng” - Chiến cho biết.
Chiếc khuôn son của Chiến có cấu tạo rất đơn giản, toàn bộ được làm bằng silicone 100% nhập khẩu với 2 phần là phần thân và phần nắp có thể tháo lắp dễ dàng, kích thước nhỏ, cơ động. Tuổi thọ của mỗi chiếc khuôn nếu sử dụng và bảo quản đúng cách có thể lên tới hàng chục năm. Sau khi hoàn thành, Chiến đã đưa những chiếc khuôn này lên các diễn đàn và bất ngờ khi được các bạn làm son hand made ủng hộ nhiệt tình do tiện lợi, dễ sử dụng và đặc biệt là giá thành rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc khuôn inox nhập khẩu.
Hiện tại, giá sản phẩm của Chiến khá đa dạng từ 80.000-300.000 đồng cho mỗi chiếc khuôn. So với giá 800.000-1.400.000 đồng/khuôn kim loại nhập khẩu thì đây là giá khá rẻ, lại là sản phẩm làm từ bàn tay của người Việt. Hiện, Chiến đang có một xưởng sản xuất khuôn tại Hà Nội và một chi nhánh phân phối tại miền Nam. Mỗi ngày Chiến cho xuất xưởng hàng trăm khuôn son, chưa kể các loại khuôn khác, sản phẩm được phân phối trên toàn quốc. Bên cạnh khuôn son hand made, cơ sở của Chiến còn sản xuất các loại khuôn thực phẩm, đồ gia dụng và các chi tiết nhựa, silicone khác…
Vừa miệt mài với những chiếc khuôn tinh tế, Chiến vừa chia sẻ dự định về những mẫu son thuần Việt, hoàn toàn của người Việt chế tạo với chất lượng không thua kém các mẫu son hàng hiệu với một cái giá hợp lý dành cho người Việt.
Tác giả bài viết: Phú Khánh