Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Giải trình trước Quốc hội sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nỗ lực của toàn ngành đã có tiến bộ rõ nét, đích cuối cùng là sự hài lòng của người dân.
Đánh giá của UNDP, PAPI mức độ hài lòng của người dân về khám chữa bệnh là 76%, nội trú là 85%; áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật xuống cơ sở; ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và chấm điểm phân hạng độc lập. Việc lập đường dây nóng đã góp phần chấn chỉnh, xử lý được nhiều y bác sĩ có thái độ không chuẩn mực, có người hướng dẫn chờ, xếp số.
Bộ cũng đã đầu tư xây dựng rất nhiều bệnh viện từ Trung ương tới tỉnh, thái độ chăm sóc, bệnh viện xanh sạch đẹp, xây dựng nhà vệ sinh bệnh viện. “Nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc ở bẩn; trong khoa không có bồn rửa tay thì trưởng khoa ở bẩn; rồi lắp camera ở các khoa khám bệnh để nâng cao thái độ phục vụ”- Bộ trưởng Y tế nói.
Việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ, đưa vào cơ cấu lương để nâng cao chất lượng các bệnh viện, huy động xã hội hoá để giúp người dân có thêm lựa chọn. Bộ Y tế cũng đã thực hiện đề án đưa bác sĩ loại giỏi về 62 huyện nghèo đã giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Về điểm hạn chế, Bộ trưởng thừa nhận việc quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là do người dân không tin tưởng y tế tuyến dưới, bệnh nhẹ cũng vào tuyến trên. “Như dịch chân tay miệng vừa qua, nhiều nơi bị độ 1-2 nhưng cũng lên tuyến trên gây quá tải và lây chéo. 1 người bệnh lại có 3 người nhà đi kèm theo. Cơ sở hạ tầng không đồng đều giữa các vùng về chất lượng khám chữa bệnh”- bà Tiến dẫn chứng.
Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp kiềng ba chân. Thứ nhất là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, lúc chưa bị bệnh. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng 26 mô hình điểm bác sĩ gia đình, phấn đấu 5 năm nữa sẽ có mô hình cơ bản này, ưu tiên cho vùng sâu vùng xa.
Thứ hai là khi bị bệnh phải vào bệnh viện thì phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian nằm viện, tăng chất lượng điều trị. Với giải pháp này, Bộ Y tế đang mời các đơn vị nước ngoài hỗ trợ, hi vọng một ngày không xa thì người Việt không còn phải ra nước ngoài khám và chữa bệnh. Tuy nhiên điều này cần một nguồn lực tài chính, nhân lực lớn.
“Chân thứ ba là nhân lực, tài chính, là cơ sở hạ tầng. Về nhân lực thì xin Quốc hội có đề án đào tạo riêng cho lĩnh vực y tế theo hướng là sau 6 năm đào tạo thì học ít nhất 4 năm nữa mới trở thành bác sĩ (hàn lâm, bác sĩ chuyên khoa)”- bà Tiến thông tin.
Ai tiếp tay cho cò mồi làm giả hồ sơ thương binh?
Dẫn chứng vụ việc 600 hồ sơ thương binh làm giả ở tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng không chỉ dừng lại ở vi phạm pháp luật mà nó còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của những người có công và thân nhân của họ.
Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, đến 4/2017 kết quả thanh tra tại 5 quân khu và 29 địa phương đã phát hiện tới 1.800 hồ sơ giả mạo. Bà Thuỷ phản ánh, việc làm giả ở nhiều địa phương khá công khai, những người có nhu cầu tìm đến đối tượng cò mồi, rồi chỉ việc điền vào hồ sơ và nộp tiền.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ. |
“Có những trường hợp chưa một ngày phục vụ quân ngũ nhưng nghiễm nhiên trở thành thương binh. Có người bị vết thương do lao động cũng đi giám định làm hồ sơ thương binh, trong khi nhiều người có công do không còn giấy tờ gốc nên không được công nhận đang là nỗi day dứt”- bà Thuỷ nêu thực trạng.
Rồi bà đặt vấn đề: “Cử tri đặt câu hỏi bản thân các đối tượng làm giả có thể tự làm giả hồ sơ hay không? Tại sao quy trình xác nhận thương binh rất chặt chẽ, qua nhiều khâu và nhiều cơ quan có thẩm quyền xác nhận mà vẫn có thể trót lọt?. Có hay không có sự câu kết với cán bộ có thẩm quyền và nếu có thì ai đã tiếp tay cho các trường hợp này?”.
Nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn cũng băn khoăn vì sao sai phạm nghiêm trọng xảy ra suốt thời gian dài và số lượng lớn như vậy mà các địa phương lại không phát hiện ra, chỉ đến khi thanh tra của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào cuộc thì mới phát hiện.
Từ đây, bà Thuỷ đề nghị phải có thanh tra toàn diện để giải quyết triệt để. Nếu nguyên nhân là do chủ quan, cố ý vụ lợi thì phải xử lý nghiêm minh.
Lo lắng thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Phó chính ủy Quân khu 7 nêu hạn chế mới nổi lên gần đây có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của chế độ là những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, an toàn thông tin và đấu tranh phòng chống diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ trên mạng xã hội.
Ông nêu dẫn chứng, gần đây liên quan đến việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, trên mạng xã hội đã có hơn 36.000 bài viết, hơn 174.900 bình luận, gần 198.400 lượt chia sẻ và hàng triệu lượt like với nhiều hình ảnh, thông tin xuyên tạc, ác ý nhằm nói xấu chế độ và nói xấu lãnh đạo.
Thủ đoạn thường xuyên được sử dụng là lợi dụng sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, kỷ niệm, hay một quyết sách mới để đưa ra thông tin xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng. |
Gần đây nhất, có nhiều trường hợp đưa tin xuyên tạc rằng kết luận của Thủ tướng về đất đai Thủ Thiêm chưa rõ ràng, thiếu minh bạch hay tấn công Luật An ninh mạng, dự án Luật Đặc khu, kích động người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, gây hậu quả rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh và thành phố.
Hoạt động tấn công mạng và làm lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng diễn ra ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng. Nhiều trang thông tin và cổng thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước bị tấn công, chiếm quyền điều khiển và chỉnh sửa thông tin.
Chính vì thế, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đề nghị Chính phủ tăng cường làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng an ninh; chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tổ chức phản động và vô hiệu hoá các vụ kích động gây rối nhằm tập dượt để bạo loạn.
Ông đề nghị chỉ đạo bổ sung cơ chế hợp đồng tác chiến giữa công an và quân đội với các lực lượng chức năng khác; xử lý kịp thời các tình huống cụ thể trên thực địa một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Trong khi đó, đại biểu Triệu Tài Vinh- Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang băn khoăn việc làm sao để kiểm soát quyền lực được tốt nhất. “Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) về vấn đề quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, khắc phục ngay tình trạng trên nóng, dưới nóng nhưng giữa lạnh”- ông nói.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí