Kinh tế

Bộ trưởng Tài chính tranh luận Tổng Kiểm toán: Sự thực thuế phải hầu kiện

Tranh luận của 2 vị lãnh đạo đứng đầu Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính làm nóng phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế. Kiểm toán Nhà nước lo ngại dự thảo Luật Quản lý thuế “đẩy” Kiểm toán Nhà nước ra ngoài, song Bộ Tài chính cho rằng làm vậy là để “chặt chẽ về cơ sở pháp lý” khi ra quyết định truy thu thuế.

Bị kiện vì thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán

Liên quan đến Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, tại điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế Bộ Tài chính có khoản quy định: "Nếu kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.

Sau đó, một số điều khoản khác quy định, nếu sau khi thanh tra, “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Cơ quan thuế lo bị kiện khi thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Quy định này khác hẳn với hiện hành, khi mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước là độc lập và yêu cầu bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không cần tiến hành kiểm tra, thanh tra lại.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng - khi bảo vệ điều này trước Quốc hội - cho rằng đó là để khi cơ quan thuế ra quyết định truy thu thì “phải có cơ sở pháp lý”, “đảm bảo quyền lợi người nộp thuế”, “tránh khiếu kiện kéo dài”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tranh luận lại: “Bộ trưởng có nói kiểm toán thực hiện nhưng đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên lụy đến cơ quan thuế. Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên luỵ đến cơ quan thuế”.

Số liệu được Tổng cục Thuế đưa ra lại khác so với những gì lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước nói.

Ông Thành Xuân Lý, phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Tổng cục Thuế) cho hay: Theo báo cáo nhanh của các cục thuế địa phương, có 12 vụ kiện phát sinh từ việc thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.

“Số vụ phát sinh từ thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ là 1 vụ ở Thừa Thiên - Huế. 11 vụ còn lại phát sinh từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu và Đắc Lắk”, đại diện Vụ Pháp chế cho hay.

Sau các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế tiến hành ra quyết định truy thu và chịu trách nhiệm cuối cùng. Ở Đắc Lắk có 6 vụ kiện cơ quan thuế ra quyết định truy thu trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì cả 6 vụ tòa án đều tuyên hủy quyết định truy thu của cơ quan thuế.

“Lý do cơ bản tòa kết luận việc cơ quan thuế ra quyết định xử lý trên cơ sở của Kiểm toán Nhà nước, nếu không có đánh giá, kiểm tra lại thì không có cơ sở để truy thu, cho nên tòa hủy cả 6 quyết định truy thu này”, ông Thành Xuân Lý cho biết.

Còn một vụ kiện xảy ra ở Chi cục thuế quận 3 TP.HCM xảy ra từ 2013. Người nộp thuế khai, nộp và thu bình thường. Sau khi Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị, thì cơ quan thuế thu bổ sung 60 tỷ nữa. “Người nộp thuế khiếu kiện và vụ này xử nhiều lần, qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, đến giờ chưa xử lý xong”, đại diện Vụ Pháp chế cho hay.

Cơ quan thuế nhiều lần thua kiện. Tranh minh họa

Vụ ở Thừa Thiên Huế, cơ quan thuế bị kiện khi ra quyết định truy thu từ kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Tòa xử cơ quan thuế thua kiện. Mặc dù Tổng cục Thuế, Cục thuế đã chỉ đạo kháng cáo, nhưng cuối cùng xử phúc thẩm tòa vẫn xử thua kiện, vì cơ sở của thu thuế giá trị gia tăng chưa có cơ sở.

Ông Thành Xuân Lý đánh giá: Về cơ bản, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có đóng góp hữu ích, giúp thu ngân sách nhiều. Nhưng hệ thống pháp luật thuế còn có sự chưa đồng nhất giữa áp dụng cách hiểu, áp dụng pháp luật. Do đó, quan điểm xử lý của cơ quan thuế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có thể khác nhau nên dẫn đến sự phối hợp chưa đồng nhất.

“Nếu tòa tuyên hủy các quyết định truy thu thì ngoài việc thất thu ngân sách còn phát sinh bồi thường của cơ quan thuế và cơ quan liên quan”, ông Thành Xuân Lý cho hay cần thiết quy định như dự thảo Luật Quản lý thuế.

Kiểm toán Nhà nước gay gắt phản ứng

Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, khi góp ý cho nội dung này hồi tháng 9 năm nay, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ,... để phản đối.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị bỏ quy định này vì “không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015”.

Khoản 1, điều 118 Hiến pháp năm 2013 nêu: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định cơ quan quản lý thuế là đơn vị được kiểm toán. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có tính bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Như vậy, nếu quy định như khoản 2 điều này là không phù hợp với vai trò Hiến định độc lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, trái với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán Nhà nước”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Trên diễn đàn Quốc hội, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tiếp tục bảo vệ quan điểm của cơ quan kiểm toán tại văn bản trên.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP