Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ tại một số vùng, tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao như rau hoa cao cấp, tôm, bò sữa, lợn, gà (tại Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An…).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong lần đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội. |
Tuy nhiên, theo ông Cường, đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp còn hạn chế; Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với đòi hỏi của một nước mới nổi với thu nhập trung bình; Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN nông nghiệp trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn; Công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ; Thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn; Khó tiếp cận vốn cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Những nguyên nhân gây cản trở ứng dụng CNC vào nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những nguyên nhân gây cản trở việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp, đó là: Kinh tế hộ với ruộng đất manh mún đã gây lực cản cho việc ứng dụng CNC (cơ giới hóa, tự động hóa) trên quy mô lớn, vì vậy hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đồng bộ; Chưa có nhiều CNC trong nông nghiệp có thể áp dụng có hiệu quả cao tại Việt Nam.
Bên canh đó, trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa 3 nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hộ dân sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch thiếu thông tin đầy đủ về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu. Công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến doanh nghiệp còn hạn chế.
“Nhận thức của một số địa phương về khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC còn chưa phù hợp theo quy định tại Luật Công nghệ cao và Luật Đất đai năm 2013. Một số địa phương chạy đua trong việc xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng nguồn lực có hạn, trông chờ chủ yếu vào ngân sách Trung ương. Nhiều địa phương chưa chủ động trong công tác quy hoạch, bố trí đất sạch, xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh trên cơ sở khai thác lợi thế, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các khu đã quy hoạch” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tại Việt Nam
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần phải phát triển nguồn nhân lực như chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao.
Đầu tư công cho phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp bằng cách ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng trong các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, các cụm liên kết ngành kinh doanh nông nghiệp bằng các nguồn vốn, qua đó tăng cường các mối liên kết (hợp tác và cạnh tranh) và chuyển giao, ứng dụng công nghệ giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta cần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thực thi các chính sách ưu đãi cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp sẽ đem lại năng xuất cao. |
Tạo vốn cho doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp bằng cách mở rộng các loại tài sản để các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thế chấp vay vốn, điều chỉnh cơ chế định giá để sát với giá thực tế đối với các tài sản hình thành trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và các tài sản là sáng chế khoa học công nghệ đã được công nhận.
“Ngoài các giải pháp trên, chúng ta phải đổi mới quản lý nhà nước. Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các dịch vụ hành chính công tại các cơ quan hành chính. Đẩy mạnh phát triển mô hình Chính phủ điện tử gắn với công tác cải cách hành chính; nâng cao tính hiệu quả, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, các chuẩn mực, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ về thành lập và vận hành hệ thống vườn ươm, các cơ chế chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi khuyến khích tài chính và tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của vườn ươm.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí