Trong nước

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Phải định vị được sản phẩm du lịch

Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị “Phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế” vào ngày 26.4 nhằm đóng góp các giải pháp để địa phương này hoàn thiện và xây dựng hướng đi cho du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của 70 hãng lữ hành đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… và nhiều đại diện công ty du lịch tại Huế. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì hội nghị.

Nhiều cái thấp, nhiều cái thiếu

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng: “Thời gian qua Huế đã tập trung vào công tác bảo tồn di sản và tài nguyên du lịch, tuy nhiên hệ thống sản phẩm du lịch ở địa phương này vẫn còn hạn chế. Du lịch Thừa Thiên Huế dù ổn định nhưng chưa đổi mới, sản phẩm có sự phân tán, tốc độ tăng trưởng của du lịch Huế chậm hơn so với các địa phương du lịch trong nước…

Tài nguyên biển lớn nhưng chưa khai thác đúng mức, hiện dọc Lăng Cô có Laguna là nổi bật, thế nên cần kêu gọi đầu tư cho du lịch biển. Huế cần làm mới sản phẩm cũ và sáng tạo xây dựng sản phẩm du lịch mới. Song song với việc khai thác và nâng cấp các dịch vụ trong du lịch di sản thì cần triển khai một số sản phẩm như: du lịch ở Bạch Mã - không làm giống như Sơn Trà (Đà Nẵng); xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm, các hoạt động vui chơi - giải trí…”. Ông Tuấn cũng lưu ý rằng: Du lịch Huế cần quan tâm đến việc kết nối sản phẩm và thị trường, khi khách đã đến Huế rồi thì kết nối với hướng dẫn viên. Huế là điểm đến về di sản văn hóa, khác với các địa phương khác nên việc kết nối lực lượng hướng dẫn viên là rất quan trọng. Đồng thời, ngành du lịch cũng cần quan tâm kết nối với các điểm đến du lịch trong khu vực như: Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam) - Đà Nẵng - Quảng Trị - Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình)… để kéo khách ở các điểm du lịch này về với Huế.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong 4 tháng đầu năm 2018, Huế đón được gần 1,6 triệu lượt khách. Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng khách Hàn Quốc đến Huế tăng và chiếm vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, những thị trường truyền thống của Huế vẫn xác định là các nước Tây Âu và Nhật Bản… bởi đây là thị trường có mức chi tiêu cao và có mức tăng trưởng ổn định. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch thừa nhận, du lịch Huế vẫn còn một số hạn chế: Việc xây dựng sản phẩm giải trí về đêm còn nan giải; lữ hành yếu với 91 công ty lữ hành nhưng chỉ đưa đến 41% lượng khách đến Huế; chưa có sự kết nối hoàn thiện giữa các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng… Ông Minh cho biết, sau kỳ Festival Huế, ngành du lịch sẽ nghiên cứu để tổ chức một số hoạt động, lễ hội định kỳ hằng tháng để phục vụ khách du lịch.

Ông Hoàng Nhân Chính, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia đánh giá: Về lượng khách đến, doanh thu du lịch, bình quân ngày lưu trú và chi tiêu của du khách tại Huế… đều ở mức tương đối thấp. Huế đang thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao. Dù có lợi thế rất lớn về ẩm thực, nhưng sản phẩm du lịch về ẩm thực vẫn chưa được chú trọng. Ông Chính cho rằng, địa phương này cần phát triển 4 dòng sản phẩm chính, gồm: Con đường di sản (kết nối với Quảng Nam - Đà Nẵng - Quảng Bình) - sản phẩm này đã được định hình trong thời gian dài, thời gian tới cần đi sâu và nâng cao chất lượng; đường mòn sinh thái; Thiên đường nghỉ dưỡng biển - cần quan tâm thêm ở biển Thuận An; kinh đô ẩm thực Huế - khai thác hai dòng ẩm thực cung đình và dân gian Huế - Nếu doanh nghiệp bắt tay cùng tham gia vào sản phẩm này thì ẩm thực Huế sẽ phát triển hơn.

Thăm Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Cần nâng tầm đẳng cấp cho sản phẩm du lịch

Đại diện của Công ty Vietravel góp ý xây dựng 9 sản phẩm du lịch cho Huế dựa trên các thế mạnh đã có sẵn như: du lịch nhà vườn; trải nghiệm phá Tam Giang; phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch gắn với thiền (tại Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã); trải nghiệm du lịch làng nghề (làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình…) khai thác ẩm thực Huế; tổ chức các chương trình nghệ thuật truyền thống về đêm (như Áo dài show của VKStar). Ông Chu Đức Mạnh, Phó phòng Hướng dẫn Công ty Viettran Tour góp ý: Huế cần xây dựng một khu vực trưng bày sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng và ẩm thực, để du khách trải nghiệm và mua sắm. Chỉ cần một du khách đưa về một sản phẩm lưu niệm, thì vài triệu khách mỗi năm cũng đưa về không ít sản phẩm lưu niệm của Huế, vô tình họ cũng sẽ làm marketing giúp cho du lịch Huế.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành du lịch địa phương cần tiếp thu các ý kiến đóng góp để có những quyết định cho phát triển du lịch. “Huế cái gì cũng có, nhưng không có nhiều, đây là hạn chế khi xây dựng sản phẩm du lịch cho Huế. Không phải cái gì có cũng bắt tay làm, mà phải biết cái gì đáp ứng được nhu cầu thị trường mới xây dựng được sản phẩm. Thế nên, lãnh đạo tỉnh phải định vị được sản phẩm du lịch chiến lược của Huế trong dài hạn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiếm có địa phương nào vừa có du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch biển như Huế. Do đó, ngành du lịch cần có kế hoạch rõ ràng, nâng tầm đẳng cấp cho hai sản phẩm du lịch này, và xem đây là trụ cột để phát triển; còn những sản phẩm khác là bộ phận, nhưng vẫn phải hoàn thiện để góp phần cho quá trình phát triển chung. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung quy hoạch tốt hai bờ sông Hương. Xây dựng các địa chỉ thưởng lãm văn hóa, ẩm thực dọc sông Hương để thu hút khách. Đồng thời chấn chỉnh, nâng cấp dịch vụ thuyền du lịch ca Huế trên sông Hương.

Huế cái gì cũng có, nhưng không có nhiều, đây là hạn chế khi xây dựng sản phẩm du lịch cho Huế. Không phải cái gì có cũng bắt tay làm, mà phải biết cái gì đáp ứng được nhu cầu thị trường mới xây dựng được sản phẩm. Thế nên, lãnh đạo tỉnh phải định vị được sản phẩm du lịch chiến lược của Huế trong dài hạn.

Tác giả: THÙY AN - THÚY HÀ

Nguồn tin: baovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP