Chợ tiền tỷ xây xong…đem cho thuê
Các chợ mang cho thuê, hoạt động không hiệu quả hầu hết đều nằm sát với Thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Trong đó, chợ Trung Trạch xây dựng xong hoạt động được 10 ngày rồi bỏ hoàng hơn 10 năm nay, còn chợ Ga Hoàn Lão là chợ “tạm” nhưng lại xây dựng rất kiên cố với kinh phí lên đến tiền tỷ nhưng rồi lại hoạt động cầm chừng, không có hiệu quả gây lãng phí ngân sách.
Hàng loạt chợ tiền tỷ xây dựng hoạt động không hiệu quả |
Có mặt tại chợ Ga Hoàn Lão, Thị trấn Hoàn Lão, chúng tôi chỉ thấy có 5 phòng mở hàng buôn ban, một rạp xây dựng trước cổng, trong đình lớn nhếch nhác, bụi bẩm bán khắp mọi nơi. Theo ông Diệu, bảo vệ chợ Ga Hoàn Lão cho biết, ông được thuê làm bảo vệ từ khi bắt đầu xây dựng chợ năm 2002, sau khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng được hai ba năm thì bà con, các tiểu thương bỏ đi và di chuyển xuống chợ Hoàn Lão hết. Hiện nay chỉ có 5 phòng và một cái rạp cho bà con buôn bán còn hoạt động, khách thì lẻ tẻ, thu nhập bà con không được là bao.
“Việc xây chợ khang trang như thế nhưng không hiệu quả thấy phí và tiếc quá, tốn bao nhiêu tiền ngân sách của nhà nước”, ông Diệu nói.
Chỉ là chợ tạm để phục vụ người dân và tiểu thương buôn bán nhưng chợ Ga Hoàn Lão được đầu tư xây dựng rất kiên cố, tốn hàng tỷ đồng để rồi sau đó 3 năm hầu như bỏ không cho đến nay.
Chợ Ga Hoàn Lão mang cho thuê |
Ông Nguyễn Xuân Lỡi - Chủ tịch UBND Thị trấn Hoàn Lão, cho biết: “Trước đây chợ Ga Hoàn Lão thuộc quyền quản lý của Huyện nhưng sau 3 năm hoạt động thì giao quyền quản lý lại cho Thị trấn. Việc xây dựng chợ nhằm mục đích xây chợ tạm cho các tiểu thương buôn bán trong thời gian đợi xây chợ Hoàn Lão, hơn nữa huyện cũng muốn tập trung người dân về đây bán đất cũng như để giãn dân. Nhưng sau 3 năm chợ Hoàn Lão xây dựng xong thì các tiểu thương chuyển hết về đó, việc buôn bán tại đây bị chững lại từ đó cho đến bây giờ. Thị trấn cũng đã lên phương án vận động mời bà con vào buôn bán không thu tiền thuế, mọi chi phí không phải đóng góp thế nhưng không hiệu quả, số lượng bà con đến kinh doanh buôn bán rất ít. Nhằm tránh lãng phí cho nên 3 năm trở lại đây thị Trấn cho một doanh nghiệp thuê sản xuất gạch không nung. Hiện nay, Thị Trấn đang phải lấy tiền ngân sách chi trả cho việc vệ sinh quét dọn, bảo vệ chợ nhằm tránh hư hỏng”.
Chợ Trung Trạch chỉ hoạt động được 10 ngày, sau đó cho doanh nghiệp thuê 1 số ki ốt, phần còn lại bỏ hoang hơn 10 năm nay |
Còn tại chợ Trung Trạch, cách Thị trấn Hoàn Lão khoảng 500 mét, được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng nhưng đã bỏ không từ năm 2005 đến nay. Phía trong các công trình gần như bỏ hoang, một số phòng đã cho một doanh nghiệp thuê.
Việc chợ xây xong bỏ hoang hơn10 năm qua, ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch UBND xã Trung Trạch, cho biết chợ Trung Trạch được xây dựng 2005, với tổng mức đầu tư 2 tỷ 6(trong đó, huyện hỗ trợ 1 tỷ, ngân sách xã 1,6 tỷ đồng) do xã làm chủ đầu tư. “Sau khi xây dựng xựng xong xã đã tiến hành nhóm họp hỗ trợ người dân buôn bán. Đầu 2006 nhóm họp đợt 1, các hộ gia đình đăng ký buôn bán đều được hỗ trợ, các chi phí về thuê mặt bằng không phải đóng, nhưng việc buôn bán không thuận lợi chỉ được 10 ngày vào hoạt động thì không có khách đến mua nên phải dừng. Cuối năm 2006, họp đợt 2 vẫn không thành công, có 4 đến 5 hộ gia đình đến đăng ký buôn bán kinh doanh nhưng được mấy ngày không có khách. Đến năm 2007, việc buôn bán kinh doanh của các tiểu thương không hiệu quả nên xã xin chủ trương và được huyện nhất trí cho tổ chức cá nhân thuê kinh doanh buôn bán. Cho đến nay, các cá nhân vẫn duy trì việc thuê chợ và đóng thuế đầy đủ ngân sách xã”.
Việc khảo sát xây dựng chợ không đem lại hiệu quả gây lãng phí nguồn ngân sách |
Ông Quang cho rằng, nguyên nhân thất bại khi xây dựng chợ là do chợ Trung Trạch ở gần Trung tâm buôn bán của thị trấn vì thế người dân tập trung mua bán phần lớn về chợ Hoàn Lão là chủ yếu.
Chưa có giải pháp khắc phục
Ngoài ra, hiện nay chợ Hoàn Trạch, tại xã Hoàn Trạch cũng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, chỉ có một số ít tiểu thương buôn bán vào buổi sáng. Còn chợ Bắc Trạch tại xã Bắc Trạch lại được quy hoạch xây dựng năm 2013, nằm sát QL 1A do vậy gây mất an toàn giao thông cho cả người dân lẫn tiểu thương khi ra vào chợ để buôn bán, mua hàng. Điều khó hiểu là, UBND huyện Bố Trạch có đề xuất xóa bỏ, di dời chợ Bắc Trạch đến địa điểm khác hợp lý hơn nhưng hiện tại chợ vẫn đang được đầu tư xây dựng mở rộng.
Chợ Bắc Trạch quy hoạch xây dựng sát QL 1A gây mất an toàn giao thông |
Liên quan đến hồ sơ dự án những chợ này hầu hết các địa phương đều cho biết là UBND huyện quản lý, tuy nhiên khi chúng tôi làm với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bố Trạch thì đơn vị này lại không nắm hồ sơ và cho biết là đã giao về cho địa phương, thậm chí ngay cả kinh phí xây dựng chợ Phòng Kinh tế - Hạ tầng cũng không nắm rõ.
Trao đổi với PV về việc hàng loạt chợ hoạt động không hiệu quả, ông Nguyễn Sông Lam - Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bố Trạch, thừa nhận nhiều chợ hoạt động không hiệu quả sau khi xây dựng và lý giải do không có tiểu thương buôn bán.
“Vừa rồi tỉnh có đi khảo sát kiểm tra thì thấy những chợ này không đưa lại hiệu quả gì cả. Chợ Hoàn Trạch đã làm việc với xã nhưng họ xin cứ để lại, thu phí những hộ buôn bán để sửa chữa, nếu đóng cửa thì xuống cấp không có kinh phí để sửa chữa. Chợ Trung Trạch hiện cho thuê, đảm bảo trang trại để chợ không xuống cấp, chợ này hoạt động được 10 ngày thì tiểu thương xuống chợ Hoàn Lão hết do nó quá gần chợ Hoàn Lão. Còn chợ Bắc Trạch nó gần quốc lộ mất an toàn giao thông nên Bộ Giao thông vận tải và Cục Quản lý đường bộ không cho phép, sớm muộn cũng phải xóa, di dời. Lúc xây dựng chợ đều lấy ý kiến người dân nhưng, người dân đồng ý, nhưng sau thời gian xu thế lúc này thì hợp lý nhưng lúc sau lại không hợp lý, có nhiều yếu tố tác động. Còn kinh phí thì do qua nhiều đời chủ tịch nên hồ sơ bàn giao về cho địa phương nên cũng không rõ”.
Bỏ hoang nhiều năm công trình đã hư hỏng, xuống cấp |
Hàng loạt chợ được xây dựng, với kinh phí hàng tỷ đồng nhưng lại hoạt động không hiệu quả hoặc gần như không hoạt động, không đảm bảo chủ trương, mục đích ban đầu gây lãng phí không nhỏ một nguồn ngân sách. Và nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các cơ quan chức năng, địa phương đã thiếu khảo sát, tính toán kỹ trước khi xây dựng, đặt địa điểm xây dựng các công trình chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mặt khác, dù có những chợ đã bỏ hoang hơn 10 năm nhưng chính quyền địa phương lẫn cơ quan ban ngành vẫn chưa có biện pháp khắc phục hậu quả, dẫn đến nhiều chợ hư hỏng, xuống cấp.
Tác giả: Hồng Thiệu
Nguồn tin: Báo Tài Nguyên & Môi Trường