Kinh tế

Bộ Tài chính họp khẩn về trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán

Trước diễn biến của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, theo thông tin của PV Tiền Phong, trong sáng nay (23/11), Bộ Tài Chính tổ chức cuộc họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Cuộc họp cũng có mặt lãnh đạo các công ty chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu cũng sẽ góp mặt trong cuộc họp này.

Bộ Tài chính họp khẩn về trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 15/11, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn. Cùng với đó, các tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang gửi tiết kiệm.

Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, tuyên truyền cho người dân, Bộ Tài chính cho hay, sẽ tăng cường quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổ chức 30 đoàn thanh tra, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra vụ việc vi phạm lớn.

“Từ nay đến cuối năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra về trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp, tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng của năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 330.000 tỷ đồng, giảm 25,2% so với năm 2021. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 150.000 tỷ đồng. Các đơn vị có khối lượng phát hành lớn nhất gồm: tổ chức tín dụng, bất động sản, xây dựng…

Ngày 14/11, Bộ Tài chính thông tin về hoạt động trái phiếu doanh nghiệp và khuyến nghị tới nhà đầu tư. Bộ Tài chính cho biết, nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn. Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

“Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Tác giả: Quỳnh Nga

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP