Bài 1: Lách luật, dụ lãi suất cao
Để thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ mua TPDN, nhiều công ty tài chính (sau khi mua TPDN) đã “xé lẻ” lô lớn rồi bán lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.
Hiện nay, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được đầu tư TPDN. Theo quy định, cá nhân được xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi đáp ứng 1 trong các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán…
Tuy nhiên, nhân viên các đơn vị, tổ chức môi giới bất chấp quy định, tìm đủ cách chèo kéo cá nhân mua TPDN với hình thức hợp tác đầu tư. Trong vai nhà đầu tư cá nhân, PV Tiền Phong gặp nhân viên môi giới tên O (người này tự giới thiệu là nhân viên Phòng khách hàng ưu tiên của Cty CP Safin) để nghe chào mời mua TPDN.
Gặp O tại trụ sở Cty CP Safin (tầng 4, tòa nhà Dreamland, 23 Duy Tân, Nam Từ Liêm, Hà Nội), O gửi cho chúng tôi 1 bản hợp đồng trong đó ghi: nhà đầu tư nhỏ lẻ (PV Tiền Phong) đầu tư 200 triệu đồng để sở hữu một lượng TPDN thuộc lô trái phiếu lớn mà Cty CP Safin (do ông Nguyễn Trung Hưng làm giám đốc đại diện) đang sở hữu.
Nhân viên Cty CP Safin tư vấn người dân mua TPDN |
Nội dung hợp đồng ghi rõ: nhà đầu tư đồng ý cùng với chủ sở hữu đầu tư vào TPDN (mã ..VLH22240..) do một Cty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc phát hành, lưu ký tại Cty CP chứng khoán Dầu khí. Nhà đầu tư chuyển số tiền đầu tư vào tài khoản Cty CP Safin. O cho biết, Cty CP Safin có điều khoản hỗ trợ mua lại TPDN cho khách hàng. Lô TPDN (khách hàng mua) sẽ hỗ trợ giấy phong tỏa hợp đồng ở tổ chức lưu ký.
Trên trang thông tin, Cty Cổ phần Safin giới thiệu, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, hỗ trợ thu xếp phát hành và tư vấn phân phối trái phiếu.
“Safin làm đại lý mua TPDN ở thị trường sơ cấp. Sau đó, Safin bán lại cho cá nhân như bạn (nhà đầu tư thứ cấp). Mua qua đại lý như Safin, công ty sẽ tư vấn, hỗ trợ lãi suất cao hơn các đơn vị khác”, O nói. PV Tiền Phong đã đến trụ sở Cty Cổ phần Safin tìm hiểu thông tin, song đại diện DN cho biết, lãnh đạo đi vắng và từ chối trả lời.
Mỏi mắt tìm công ty ký hợp tác đầu tư
Một trong những lô TPDN được môi giới chào bán ồ ạt hiện nay là NWSCH 2224001 đang phát hành, với số lượng 300.000 trái phiếu. Dự kiến, tổng khối lượng phát hành 300 tỷ đồng, loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm.
Về việc mua bán loại TPDN này, PV Tiền Phong cũng được môi giới tên Vũ Anh T gọi điện giới thiệu, chào mời. T đưa cho chúng tôi bản hợp đồng mẫu (bên A là PV Tiền Phong và bên B là Cty TNHH tư vấn và quản lý SI (gọi tắt là SI).
Nhân viên môi giới Vũ Anh T chào mời người mua TPDN |
Gặp T tại quán cà phê, T hào phóng cho chúng tôi xem bản hợp đồng hợp tác đầu tư của SI với một số cá nhân. Khi PV thắc mắc tên hợp đồng không phải hợp đồng mua bán TPDN, nhân viên T cho biết, theo luật, chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới trực tiếp mua TPDN. PV Tiền Phong chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp nên phải mua thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty TNHH tư vấn và quản lý SI.
“SI đã mua NWSCH 2224001. Vì vậy, khi xảy ra vấn đề với TPDN, công ty em sẽ đứng ra đòi tiền của doanh nghiệp phát hành TPDN và trả cho nhà đầu tư cá nhân”, nhân viên này nói.
Tại mẫu hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu do T cung cấp cho PV Tiền Phong, Bên A là PV Tiền Phong, Bên B là Cty TNHH tư vấn và quản lý SI (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 010 446 8794 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp ngày 22/2/2010). Người đại diện là ông Nguyễn Đức Hiếu; Người được ủy quyền là Phó Giám đốc Bùi Việt Dũng. Trụ sở chính của công ty tại số 206 phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chúng tôi tìm đến địa chỉ 206 Đội Cấn. Tuy nhiên, cả dãy nhà cùng số 206 Đội Cấn chỉ là quán phở, văn phòng đại diện 1 nhà máy gạch; cửa hàng bán giày dép, quần áo.
Tại số nhà 206 Đội Cấn, PV không tìm thấy Cty TNHH tư vấn và quản lý SI |
Dụ bằng lãi suất cao
Người dân có nhu cầu gửi tiết kiệm đã bị giao dịch viên của nhiều ngân hàng chào mời mua TPDN với lợi thế lãi suất cao. Nhiều người không biết TPDN là gì nhưng nghe lãi suất cao hơn liền bị mê hoặc, bất chấp rủi ro…
Một trong những kênh bán TPDN sôi động hiện nay là qua ngân hàng. Tại phòng giao dịch của nhiều ngân hàng, khi người dân đến gửi tiết kiệm liền được nhiều nhân viên mời mua TPDN với ưu thế lãi suất cao.
Trong vai người dân muốn gửi tiết kiệm 200 triệu đồng, PV Tiền Phong được Nguyễn Thị Ngọc T - nhân viên một ngân hàng TMCP trên đường Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) tư vấn, mua TPDN lãi suất tốt hơn so với gửi tiết kiệm thông thường.
Miệng nói, tay T xòe cho chúng tôi bộ hồ sơ mua TPDN, gồm: Hợp đồng mua bán trái phiếu; Hợp đồng môi giới bán trái phiếu; Đề nghị chuyển nhượng Trái phiếu Cty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Cty An Đông).
Trong Hợp đồng mua bán trái phiếu chị T cung cấp, bên bán là Cty CP chứng khoán Tân Việt (TVSI), bên mua là PV Tiền Phong. Dù PV Tiền Phong đã nhấn mạnh, chưa bao giờ đầu tư TPDN, song chị T cho biết, chỉ cần thông tin cá nhân (căn cước công dân, số điện thoại…) là có thể mở tài khoản lưu ký chứng khoán của TVSI tại phòng giao dịch ngân hàng. Sau đó, khách hàng sẽ được ký hợp đồng mua TPDN.
Theo hợp đồng này, trái phiếu do Cty An Đông phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Lãi suất năm đầu tiên cố định 11%. TVSI bán trái phiếu cho bên mua với số lượng theo yêu cầu. Theo hợp đồng với khách hàng do chị T cung cấp, giá mỗi trái phiếu là 100.162 đồng.
Để thuyết phục PV Tiền Phong, chị T tiếp tục tư vấn ưu điểm của TPDN An Đông rằng, lãi suất 12 tháng tới 9%. Khi tất toán trước thời hạn, lãi suất trái phiếu sẽ linh hoạt theo thời hạn 3-6-9 tháng.
“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu bên ngân hàng đã kiểm định. Sản phẩm này lãi suất tốt hơn tiết kiệm, linh hoạt khi tất toán”, T nói. T cũng không úp mở khi nói rằng, doanh nghiệp không được bán trực tiếp cho cá nhân và phải thông qua công ty chứng khoán. Vì vậy, trên giấy chứng nhận sẽ ghi quyền sở hữu trái phiếu thuộc về TVSI và Cty An Đông.
Đáng lưu ý, lô trái phiếu mà T giới thiệu được phát hành ngày 10/9/2018 với số tiền huy động 3.000 tỷ đồng. Cùng ngày, công ty này còn phát hành 1 lô trái phiếu (ADC-2018.09) gần 12.000 tỷ đồng. Đầu năm 2019, công ty này tiếp tục phát hành một lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng. Được biết, Cty An Đông là công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tại nhiều phòng giao dịch ngân hàng, TPDN là một trong những sản phẩm được giao dịch viên chào mời người gửi tiết kiệm mua. Người mua TPDN sau 30 ngày nếu bán lại sẽ nhận ngay lãi suất.
Bà Hồ Thị X (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, khi tất toán sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch ngân hàng TMCP ở Ngô Thì Nhậm, bà được nhân viên chào mời mua TPDN của Cty An Đông. Bên cạnh đó, bà X còn được nhân viên của một ngân hàng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) giới thiệu và đã mua TPDN. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện TVSI cho biết, công ty đã sở hữu các lô TPDN hơn 1 năm và có thể bán cho các cá nhân.
Nhiều người mua TPDN là người cao tuổi. Trao đổi qua điện thoại, bà Hoàng Thị V (Hoàng Mai, Hà Nội), người đã bỏ ra 230 triệu mua TPDN do Cty An Đông phát hành cho biết, bà mua TPDN vì được sự giới thiệu của nhân viên ngân hàng và không hiểu rõ về công ty phát hành hay đại lý bán TPDN.
Theo ông Trịnh Quang Anh – Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam, sự tăng nhanh của thị trường TPDN một phần đến từ sự hợp tác giữa ngân hàng và DN. DN không tiếp cận được vốn vay ngân hàng chuyển sang phát hành TPDN. “DN đàm phán với ngân hàng về ưu đãi và được ngân hàng gợi ý mua TPDN. Ngân hàng tiếp tục giới thiệu để người dân đầu tư TPDN. Nhưng khổ nhất nhà đầu tư, bởi họ nghĩ rằng, TPDN được ngân hàng bảo lãnh và có bảo hiểm tiền gửi. Dường như đang có sự mập mờ, các kẽ hở này ở thị trường TPDN”, ông Quang Anh nói. |
(Còn nữa)
Tác giả: N.Linh - D.Hưng - C.Huệ
Nguồn tin: Báo Người Lao động