Ngày 13/7, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017 tại TP.HCM.
Chủ trì họp báo, trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, khẳng định nhiệm vụ quân đội vẫn là chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời thời gian qua, quân đội vẫn là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn các sự cố, thiên tai ở vùng sâu vùng xa, góp phần cùng người dân cả nước ổn định cuộc sống.
Chuyển giao đất quốc phòng cho doanh nghiệp theo yêu cầu của TP.HCM
Trao đổi tại cuộc họp, thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng, khẳng định những dự án chuyển đổi đất quốc phòng cho các nhà đầu tư ở các khu đất vàng ở TP.HCM theo hình thức lấy tiền đổi đất giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao)
Giải thích rõ hơn về việc chuyển giao các khu đất như Tổng kho xăng dầu Phan Văn Trị và nhà máy Z751 ở quận Gò Vấp, khu đất cảng Ba Son (quận 1), khu đất Tân Cảng (quận Bình Thạnh), thiếu tướng Thắng cho biết Bộ Quốc phòng thực hiện chuyển giao đất cho nhà đầu tư theo yêu cầu của TP.HCM.
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục kinh tế Quốc phòng . Ảnh: Hải An. |
Đất ở các nhà máy ở quận Gò Vấp, cảng Ba son, Khu Tân Cảng (quận Bình Thạnh) là các khu đất thuộc nội đô, TP yêu cầu Bộ Quốc phòng di chuyển các nhà máy ra khu ngoại ô nhằm tránh ô nhiễm.
Khi di chuyển các nhà máy đi thì Bộ Quốc phòng không có tiền, Chính phủ cũng không có tiền nên Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng được chuyển mục đích sử dụng đất để lấy tiền di dời nhà máy.
“Bộ Quốc phòng chọn các nhà đầu tư có năng lực xây dựng, vốn. Các nhà đầu tư sẽ xây dựng các nhà máy, kho xăng, đổi lại chúng tôi giao đất để nhà đầu tư thu hồi vốn”, thiếu tướng Thắng khẳng định.
Theo Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng, những dự án chuyển đổi đất quốc phòng cho các nhà đầu tư là phải được Thủ tướng đồng ý trên cơ sở ý kiến của các địa phương, bộ, ngành. Quyết định là của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng chỉ làm đúng theo quy trình.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết thêm các doanh nghiệp quân đội sử dụng đất quốc phòng, chuyển đổi đất sai mục đích sẽ bị kiểm tra và thu hồi. Bộ có kế hoạch 1508 kiểm tra, rà soát lại mục đích quỹ đất sử dụng. Đơn vị nào làm không đúng sẽ bị thu hồi, cán bộ làm sai sẽ phải nhận trách nhiệm, trường hợp sai phạm nghiêm trọng sẽ chịu xử lý hình sự.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Hải An. |
Doanh thu gần 190.000 tỷ nửa đầu 2017
Thông tin thêm tại buổi họp báo, thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai 28/33 Khu kinh tế quốc phòng. Các khu kinh tế quốc phòng cơ bản đã đạt được mục tiêu về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị.
Theo thiếu tướng Thắng, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng từ 305 doanh nghiệp (năm 2000) sau khi được sắp xếp, đến hết năm 2016 còn 88. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp quân đội có bước phát triển vượt bậc, đảm bảo việc làm cho người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế quốc dân.
Kết quả chủ yếu năm 2016 doanh thu 345.124 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 43.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 40.273 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu ước đạt 189.000 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng đạt 52% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước trên 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch; tổng số lao động 185.000 người với thu nhập bình quân trên 11,8 triệu đồng/người/tháng.
Tại buổi làm việc với Tân cảng Sài Gòn ngày 12/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh quan điểm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí giải thể các doanh nghiệp kinh tế thương mại thuần túy, không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự quốc phòng... Đồng thời, Bộ cũng sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, phù hợp thế bố trí chiến lược.
Đến năm 2020, chỉ còn 17 doanh nghiệp quân đội
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết hiện Chính phủ có chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Quan điểm của Chính phủ là những lĩnh vực đặc trưng cần nắm giữ thì giữ lại, hoặc lĩnh vực không có doanh nghiệp ngoài đầu tư thì nhà nước sẽ đầu tư phục vụ dân sinh.
Sắp tới Bộ Quốc phòng sẽ rà soát lại các doanh nghiệp của mình quản lý để sắp xếp lại. Các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, ít đặc thù quốc phòng sẽ được cổ phần hóa, thoái vốn.
Chia sẻ thêm thông tin, trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết từ nay đến năm 2020 Bộ Quốc phòng chỉ giữ lại 17 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước theo đúng tiêu chí về quốc phòng an ninh.
Các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước chiếm 50% là 12 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này khi cần thiết có thể huy động cho quân sự quốc phòng. Các doanh nghiệp thuần túy thương mại, dịch vụ, xây dựng sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn hết vốn nhà nước.
Đã thu hồi 1.000 xe biển số đỏ Trả lời câu hỏi liệu có sự ưu tiên cho doanh nghiệp quân đội, thiếu tướng Võ Hồng Thắng khẳng định không có bất cứ ưu tiên nào cả. Tuy nhiên, trước đây một số doanh nghiệp quân đội được cấp biển số đỏ, bây giờ không còn nữa. “Vừa rồi Bộ Quốc phòng thu hồi 1.000 biển số đỏ xe quân đội. Hiện doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước chỉ có 2 xe dành cho lãnh đạo. Các xe còn lại sẽ chuyển sang biển trắng”, thiếu tướng Thắng nói. |
Tác giả: Phước Tuần
Nguồn tin: Báo Zing