(Ảnh minh hoạ). |
Văn bản cho biết, tinh thần chung của Bộ Công Thương là cần đánh giá chi tiết và toàn diện hơn về hiệu quả, ưu nhược điểm của từng ứng dụng, phương thức triển khai thực hiện của từng đơn vị, nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho hành khách.
Theo đó, cần bổ sung làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan về thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, cạnh tranh và kinh doanh vận tải để quản lý hoạt động này.
Bộ Công Thương cho rằng cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Grab, Uber chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.
"Một trong những lý do cho đề xuất này là bởi quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử. Như thế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và quy định hiện hành cho phép họ giải thích như vậy", Bộ Công Thương cho biết.
Văn bản của Bộ Công Thương cũng cho rằng: "Vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho khách và người trên đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ. Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này là doanh nghiệp ở nước ngoài thì việc cho phép doanh nghiệp đó hoạt động là không phù hợp với cam kết trong WTO".
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử. Bộ Công Thương cho rằng việc kiểm duyệt và quản lý các ứng dụng trên nhằm đảm bảo quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do các ứng dụng đó cho phép người tiêu dùng trực tiếp thanh toán tiền dịch vụ.
Bộ Công Thương cũng góp ý cần nghiên cứu các biện pháp đảm bảo hoạt động bình đẳng giữa loại hình dịch vụ này với dịch vụ vận tải truyền thống. Trong đó, cần đánh giá để tính đến việc dỡ bỏ, giảm thiểu các rào cản hoạt động của các loại hình dịch vụ truyền thống (biện pháp cấm đường).
Như Dân trí đưa tin mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber. Thống kê từ Hiệp hội này, chỉ trong 18 tháng áp dụng thí điểm, số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab trên toàn quốc đã lên tới hơn 50.000 chiếc, riêng tại Hà Nội xe dưới 9 chỗ là hơn 25.000 chiếc. Việc này đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông và quá tải trầm trọng.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đưa ra con số ước tính gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước do hoạt động của loại hình Uber, Grab. Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5% phải thì tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng.
Hiệp hội này cũng kiến nghị việc quản lý đối với xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.
Trao đổi với PV Dân trí sau đó, đại diện Bộ GTVT cho hay, cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe ý kiến và giải quyết những vấn đề của taxi truyền thống và Uber, Grab. Trong số các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, hiện có 8 đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab, dịch vụ đặt chỗ không chỉ là phần mềm cài đặt trên điện thoại mà còn sử dụng cả mạng xã hội facebook.
“Vấn đề nằm ở chỗ, một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng”, đại diện Bộ GTVT nói.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí