Kinh tế

Bình Định: Nguy cơ tăng 'nóng' diện tích sắn

Sắn (mì) nguyên liệu trên địa bàn Bình Định đang đứng ở giá 2,8 - 2,9 triệu đồng/tấn, mức giá “không tưởng” của cây mì trong những năm gần đây.

Trong khi cây mía trên địa bàn tỉnh này đang bị “thất sủng”, do đó nguy cơ tăng nóng diện tích sắn là có thể xảy ra.

Cây sắn ở Bình Định trước nguy cơ tăng "nóng" diện tích

Trước tình thế này, ngành nông nghiệp Bình Định đã có động thái nhằm “hãm” tăng trưởng diện tích trồng sắn ngoài quy hoạch, chú trọng đến năng suất.

Vượt quy hoạch

Theo quy hoạch ngành trồng trọt của tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh này sẽ phát triển ổn định 11.000ha sắn. Trong đó, huyện An Lão 650ha, Hoài Nhơn 1.000ha, Hoài Ân 500ha, Vĩnh Thạnh 1.250ha, Phù Mỹ và Tây Sơn mỗi huyện 1.800ha, Phù Cát và Vân Canh mỗi huyện 2.000ha, đảm bảo năng suất mì đến năm 2020 bình quân đạt 304 tạ/ha. Tuy nhiên, mới đến đầu năm 2018 mà diện tích sắn trên địa bàn tỉnh này đã vượt lên trên 12.500ha. Phần lớn diện tích sắn ở Bình Định trồng quảng canh, không được đầu tư chăm sóc đúng mức, nên năng suất chỉ đạt khoảng 264 tạ/ha.

Sở dĩ diện tích sắn tăng mạnh là do loại cây này dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm ổn định. Với giá mua từ 2,8 - 2,9 triệu đồng/tấn sắn nguyên liệu có hàm lượng tinh bột đạt 30% hiện nay, nông dân có lãi hàng chục triệu đồng/ha. Cây sắn đang mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ, tuy nhiên, nếu phát triển ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ đất SX bị thoái hóa, bởi cây sắn hút chất dinh dưỡng trong đất rất mạnh; đất đã qua trồng sắn khó trồng được các loại cây khác. Thêm vào đó, khi người dân đã “khát” đất trồng sắn thì những cánh rừng sẽ đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm.

Kìm hãm bùng phát, hướng đến năng suất

Trước tình hình trên, tỉnh Bình Định đã chỉ ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn cấp tiến hành kiểm tra, rà soát lại quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên lieu sắn tại các địa phương; tăng cường chuyển giao TBKT, đầu tư thâm canh, trồng rải vụ, trồng xen với các loại cây trồng khác, nhằm tăng năng suất và hiệu quả. Các DN SX và chế biến tinh bột sắn trên địa bàn chủ động phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống sắn mới có tiềm năng năng suất và hàm lượng tinh bột cao chuyển giao cho nông dân; thực hiện chính sách đầu tư, mua nguyên liệu sắn đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Mô hình trồng thâm canh giống sắn mới tại huyện Hoài Nhơn

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại diện tích vùng nguyên liệu sắn hiện có, diện tích đất SX các loại cây trồng kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng sắn, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

“Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu, SX khảo nghiệm và chọn một số giống sắn có tiềm năng năng suất cao để chuyển giao cho nông dân; hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh để tăng năng suất, hiệu quả. Chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi các diện tích đất trồng sắn trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 15o sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường”, ông Hùng cho biết.

Tác giả: DƯƠNG LAM

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP