Sáng 13/5, phiên sơ thẩm vụ án buôn bán thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada xảy ra tại VN Pharma tiếp tục xét hỏi đến các bị cáo thuộc Cục Quản lý Dược.
Trả lời HĐXX, cựu thứ Trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bày tỏ lấy làm tiếc khi để xảy ra nhiều sai phạm tại Cục Quản lý Dược, thời điểm ông giữ chức Cục trưởng.
Ông Cường trình bày thêm, quy trình đăng ký thuốc thông thường sẽ đi từ các chuyên gia thẩm định mới đến lãnh đạo Cục… sau cùng là Hội đồng xét duyệt. Đối với loại thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, ông Cường thừa nhận có thiếu sót trong việc cấp số đăng ký, các thiếu sót này xảy ra bắt đầu từ các chuyên gia thẩm định.
“Với vai trò, trách nhiệm là một Cục trưởng, người đứng đầu đơn vị, tôi xin chịu trách nhiệm trước sai sót này”, ông Trương Quốc Cường nói.
Trả lời thêm câu hỏi "vì sao không ra quyết định thu hồi thuốc giả?". Ông Cường cho biết, cá nhân ông rất quan tâm sau khi có thông tin phản hồi và đi xác minh… nhưng không hiểu lý do vì sao ông không ra quyết định thu hồi, việc này đã khiến ông trăn trở suốt 10 năm qua.
Với những sai phạm tại Cục Quản lý Dược và các thuộc cấp dẫn đến hậu quả phải ra tòa hôm nay, ông Cường cho rằng, quá trình làm việc, khâu thẩm định thuốc có quá nhiều lỗ hổng. Đáp lại lời khai của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tọa nhấn mạnh: “Những lỗ hổng đó đến bây giờ ông mới nhận ra thì đã quá muộn, tôi tin rằng với cách hoạt động như vậy chắc chắn có thêm nhiều sai phạm nữa".
Theo cáo trạng, ông Trương Quốc Cường khi còn là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, được ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện, dẫn đến 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, có giá trị hơn 148 tỷ đồng.
Mặc dù nhận được nhiều thông tin phản ánh thuốc Health 2000 Canada không rõ nguồn gốc xuất xứ, song ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy, khiến các cơ sở y tế sử dụng số thuốc giả điều trị cho người bệnh, với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Cường không thành khẩn khai báo. Đến giai đoạn truy tố, ông thừa nhận sai phạm, tác động gia đình nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại do không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra.
Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường. |
Cũng tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) trình bày, có tham gia vào hoạt động thẩm định thuốc song cái sai trong quá trình thẩm định của bị cáo là do quá tin tưởng đồng nghiệp và giải quyết nhiều hồ sơ cùng lúc.
Theo bị cáo, quá trình thẩm định hồ sơ, các chuyên gia không ngồi với nhau, họ tự thẩm định và "bút phê" vào hồ sơ để lại phòng làm việc, sau đó các nhân viên Cục đi thu hồ sơ lại tổng hợp.
Còn bị cáo Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng Phòng đăng ký thuốc) cho biết, chức danh mà bị cáo đảm nhiệm chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước... có nhiệm vụ đôn đốc các nhóm chuyên gia để đảm bảo tiến độ thẩm định.
Về việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định thuốc chuyển cho các chuyên gia, Châu thừa nhận có sơ suất khi để hồ sơ có dấu hiệu tẩy xóa. Bị HĐXX chất vấn “sau khi có bút phê của chị, hồ sơ cấp các loại thuốc giả được phê duyệt trước hàng nghìn hồ sơ khác, chị có thấy bất thường không?”. Bị cáo Châu giải thích, quy trình thẩm định thuốc tại Cục Quản lý Dược theo bị cáo thấy đã nhiều năm không làm theo thứ tự.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý Dược) cho rằng, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định thuốc, ông chỉ tập trung làm cho xong các mục mình phụ trách mà không quan tâm đến vấn đề khác. Thái độ và cách làm việc của ông Hùng bị Chủ tọa nhận xét là thiếu trách nhiệm, góp phần tạo điều kiện cho thuốc giả được lưu hành.
Tác giả: Hoàng An
Nguồn tin: Báo Tiền phong