Ông Thông cho rằng, 3 miếng đất của Viện Dệt may không được dùng để kinh doanh nên gọi là "đất vàng" là không chính xác. (Ảnh: Hồng Vân) |
Như đã thông tin, trong tháng 3 này, Viện Dệt may sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu trước công chúng.
Cụ thể vào ngày 12/3, gần 2,3 triệu cổ phiếu của Viện Dệt may, tỷ lệ hơn 45% vốn sẽ được IPO với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phần. Tương ứng giá trị vốn hóa thị trường theo mức giá này đạt gần 29 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may cho biết, tại Hà Nội, viện này có hai khu đất tại số 478 Minh Khai (diện tích 2.851 m2) và ngõ 454/24 Minh Khai (diện tích 5.311 m2).
Cả hai khu này đều đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu và xưởng thực nghiệm.
Còn tại TP.HCM, Viện Dệt may có khu đất tại 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1 với diện tích gần 2.220 m2, cũng đang được sử dụng với mục đích trên.
“Nhà nước cho thuê đất miễn phí đối với 8.200 m2 này để viện chúng tôi phục vụ các mục đích nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đào tạo,.. tới năm 2043”, ông Thông nói.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, từ năm 2007, Viện Dệt may luôn “sống” bằng kết quả nghiên cứu khoa học và đã tự chủ tài chính từ đó.
Sau đó giai đoạn năm 2014-2016, hai nguồn thu của Viện đến từ đề tài, đề án và kỹ thuật, sản xuất kinh doanh. Trong đó, doanh thu từ kỹ thuật, sản xuất kinh doanh là chính, chiếm 80-90% tổng doanh thu. Đặc biệt, viện không ghi nhận doanh thu từ việc khai thác “đất vàng”.
“Khi có chính sách IPO thì chúng tôi vẫn xác định phải triển khai nghiên cứu khoa học và chỉ có mục đích duy nhất đó thôi. 1-2 năm đầu sẽ vất vả nhưng anh em hiểu phải có tinh thần làm việc mới thì mới có cơ hội mở rộng thị trường”, ông Thông cho hay.
Đáng nói, “Viện Dệt may có cổ phần hóa thì cũng vẫn phải làm nghiên cứu khoa học chứ không được kinh doanh bất cứ loại gì kể cả văn phòng cho thuê. Do đó, câu chuyện “đất vàng” là không chính xác. Miếng đất như thế thì không thể sử dụng để làm giàu”, ông Thông khẳng định.
Thêm nữa, ông Thông nhấn mạnh rằng, việc sử dụng khu đất thuộc quyền sử dụng của Viện Dệt may để khai thác bất động sản là không phù hợp định hướng Chính phủ, phá vỡ tất cả hoạt động đang có của Viện.
“Thực tế, có nhiều chuyện doanh nghiệp Nhà nước IPO khi cổ phần hóa xong lại chuyển mục đích khác thì lớn chuyện, không tự chủ được”, Viện trưởng Viện Dệt may cho hay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện này rất có tự tin về việc IPO nhưng vẫn giữ vững hoạt động nghiên cứu về dệt may, bởi về thị trường thì Viện Dệt may hoàn toàn có thể nắm bắt được.
“Khi chuyển sang tự chủ thì tiền lương, hoạt động bộ máy, công đoàn, bảo hiểm,... Viện Dệt may phải tự túc lo liệu hết. Quá trình này sẽ mất khoảng 3 năm đầu, vì tôi đã trải qua chuyện này rồi nên cũng dự liệu được”, ông Thông nói thêm.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí