Chị Yến trong một buổi tư vấn tại phòng khám HIV BV đa khoa khu vực Tây Nam
Thế rồi được gia đình bố mẹ, anh chị động viên, ôm ấp che chở chị trong vòng tay yêu thương, chị gượng dậy dần. Sau khi tìm hiểu, chị xuống khám ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh và nhận thuốc ARV điều trị. Hạnh phúc lại đến với chị lần nữa, anh Trương Đắc Quỳnh - người chồng thứ 2, cũng là một bệnh nhân nhiễm HIV đã đồng cảm, chia sẻ rồi yêu thương chị. Từ chỗ là một người tuyệt vọng chờ chết, nay chị như trở thành một con người khác, nụ cười luôn thường trực trên môi. Vậy là, sau 18 năm phát hiện bệnh HIV do lây từ người chồng đầu tiên, đến nay chị Yến vẫn chung sống mạnh khỏe với bệnh HIV. Có được kết quả này là nhờ chị được dùng thuốc ARV đều đặn từ nguồn thuốc viện trợ. “Tôi như được hồi sinh, giờ tôi có thể lao động trở lại, hiện nay tôi mở cửa hàng buôn bán, cuộc sống vì thế đã ổn định hơn nhiều” - Chị Yên vui mừng nói.
Còn anh Vy Văn Coong ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông tình cờ phát hiện mình bị nhiễm bệnh HIV trong một lần có đoàn các bác sỹ về làm xét nghiệm tại cộng đồng. Tin như sét đánh ngang tai, nhưng rồi được vợ con động viên, lại được các bác sỹ tư vấn anh đã bình tĩnh trở lại, đi khám tại phòng khám HIV của huyện, lấy thuốc uống điều trị. Đến nay, nhờ uống thuốc ARV đều đặn, sức khỏe của anh đã khá dần lên, giờ anh có thể giúp vợ con làm một số việc vặt trong gia đình.
Anh Coong đến khám, xét nghiệm định kỳ và nhận thuốc điều trị ARV miễn phí
Bác sĩ Phan Thế Hưng - GĐ Trung tâm y tế Anh Sơn cho biết: Điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong cho người nhiễm HIV/AIDS. Do thuốc ARV ức chế sự phát triển và nhân lên của vi-rút nên khi người nhiễm HIV được điều trị sẽ giảm nguy cơ chuyển sang AIDS, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ tử vong.Điều trị bằng thuốc ARV giảm nguy lây truyền HIV sang người khác, nghĩa là điều trị cũng là dự phòng. Điều trị bằng ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng.
Cũng như chị Yến và anh Coong, những năm qua, hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tư vấn, xét nghiệm và nhận thuốc miễn phí tại các phòng khám HIV nhờ nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 5 nghìn người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Trong đó, gần 4 nghìn bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị và cấp thuốc ARV miễn phí. Hiện nay, sắp đến thời điểm các tổ chức quốc tế ngừng viện trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS cũng đồng nghĩa người bệnh phải tham gia BHYT mới được cấp thuốc. Trước thông tin này, các bệnh nhân HIV không khỏi băn khoăn, lo lắng. Anh Nguyễn Chiến Thắng, bệnh nhân HIV ở Đô Lương, mong muốn sẽ được tiếp tục điều trị uống thuốc ARV miễn phí, bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Khi các nguồn tài trợ bị cắt giảm thì chắc chắn người nhiễm HIV/AIDS sẽ gặp khó khăn trong khám, điều trị bệnh. Giải pháp cho vấn đề này là người nhiễm HIV nên tham gia bảo hiểm y tế. Nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV toàn tỉnh tham gia BHYT còn thấp, chỉ chiếm khoảng 56,55%. Về phía bệnh nhân HIV/AIDS, nhiều người lo lắng thông tin cá nhân của mình sẽ bị “lộ” khi chuyển sang điều trị HIV/AIDS sử dụng thẻ BHYT.
Bệnh nhân nhiễm HIV đang uống thuốc Methadone điều trị cai nghiện tại Trung tâm YT huyện Đô Lương
Làm thế nào để đại dịch HIV/AIDS không bùng phát trở lại trong khi nguồn kinh phí đầu tư đang bị cắt giảm là một bài toán khó đặt ra cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Mặc dù thế, nhưng Nghệ An hiện vẫn được đánh giá là tỉnh đi đầu trong việc tổ chức kiện toàn các cơ sở chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Đến nay, tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS từ các Trung tâm y tế đã được điều chuyển về điều trị tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh mua và sử dụng BHYT.
Bác sĩ Trịnh Hùng Tiến - PGĐ Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh cho biết: Để chuẩn bị cho việc chuyển giao nguồn lực, cách thức thanh toán chi phí điều trị, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh truyền thông về BHYT cho người nhiễm HIV, bao gồm: Truyền thông vận động để các lãnh đạo địa phương hiểu sự cần thiết của BHYT với người nhiễm HIV và các địa phương cũng phải vào cuộc. Đồng thời, tham mưu với tỉnh các giải pháp thích hợp trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT.
Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV tham gia BHYT, nên chăng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để họ giảm bớt gánh nặng chi phí. Bên cạnh đó, cần tháo lỏng quy định về nơi cư trú, bỏ cơ chế mua thẻ BHYT theo hộ gia đình... nhằm bảo mật thông tin cho họ. Bởi không phải ai cũng dám hiên ngang bước ra ngoài xã hội công khai bản thân với căn bệnh HIV đang hiện hữu trong cơ thể./.
Tác giả bài viết: Hiến Chương