Kinh tế

Bệnh viện Giao thông Vận tải bộc lộ nhiều bất cập sau khi cổ phần hóa

Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là đơn vị y tế công lập đầu tiên trong cả nước tiến hành thí điểm cổ phần hóa. Nhưng, trái với sự kỳ vọng ban đầu, Bệnh viện này đang bộc lộ những bất cập.

Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại các cơ sở y tế công lập theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ toàn diện cho Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đã và đang là yêu cầu và xu thế tất yếu hiện nay. Bởi có như vậy, các bệnh viện mới được "cởi trói" để phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong cơ chế này, bệnh nhân sẽ có điều kiện được hưởng những dịch vụ tốt nhất, còn cán bộ y tế sẽ phải thay đổi nhận thức, coi bệnh nhân là khách hàng và là người trả lương cho họ.

Cuối năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã nhanh chóng hoàn tất việc bán 70% cổ phần ở Bệnh viện Giao thông Vận tải

Được biết, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là cơ sở y tế công lập lớn đầu tiên thoát bao cấp để chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường. Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào ngày 5/1/2016. Người giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị là Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Bệnh viện GTVT. Bệnh viện vẫn được kế thừa một loạt chính sách ưu đãi đã ban hành trong lĩnh vực y tế công lập như miễn tiền thuê đất; áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động. Tuy nhiên, sau 1 năm "thay áo mới", trái với sự kỳ vọng ban đầu, bệnh viện này đang bộc lộ những bất cập sau quá trình cổ phần hóa.

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Giao thông Vận tải đạt 42,5 tỷ đồng doanh thu thuần. Do giá vốn cao gần bằng doanh số nên Bệnh viện chỉ đạt mức lãi gộp 148 triệu đồng.

Trong khi đó, chi phí quản lý phải trả lên đến 10,2 tỷ đồng khiến bệnh viện lỗ gần 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Với khoản lỗ trên, Bệnh viện Giao thông Vận tải đã lỗ lũy kế gần 45 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý II/2017.

Tuy nhiên, đổi mới cơ chế quản lý như thế nào và giao quyền tự chủ ra sao để các bệnh viện vừa thu hút được các nguồn lực để phát triển vừa làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân là điều không đơn giản.

Thực tế, ngay sau khi cổ phần hóa, Bệnh viện Giao thông Vận tải đã nhận được nhiều sự kỳ vọng của rất nhiều người về một cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng, với đội ngũ bác sĩ giỏi, nhiệt tình.

Thế nhưng sau một thời gian hoạt động theo mô hình mới, bác sĩ Hồng Dương (Phó Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương) đã chuyển công tác sang một bệnh viện tư nhân. Nhiều bác sĩ có chuyên môn khác cũng lần lượt rời bỏ bệnh viện vì nhiều lý do khác nhau.

Thậm chí, chủ trương cổ phần hóa các bệnh viện công dường như được xem xét lại khi Bộ Giao thông Vận tải đã có động thái xin dừng cổ phần hóa tiếp 3 bệnh viện thuộc ngành là: Nam Thăng Long Hà Nội, Giao thông Vận tải Vinh và Bệnh viện Giao thông Vận tải Đà Nẵng.

Ở góc nhìn từ Bệnh viện Nam Thăng Long Hà Nội, cổ phần hóa chưa hẳn là phương án tốt, bởi nếu chuyển sang hoạt động vì lợi nhuận, bệnh viện sẽ không phải là địa chỉ khám chữa bệnh dành cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp.

Tác giả: Hoàng Dung (t/h)

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP