Giới trẻ

Bật khóc trước tâm thư gửi “Huế” – cô gái ung thư có nụ cười lấp lánh

Những dòng thư viết gửi cô gái mắc ung thư Phạm Thị Huế đang khiến nhiều người xúc động. Huế đã vượt qua nỗi đau một cách kiên cường và luôn nở nụ cười lấp lánh trong mọi khoảnh khắc.

Có lẽ, nhiều người còn nhớ cô gái Phạm Thị Huế, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Huế đã chiến đấu với bệnh ung thư gan suốt thời gian từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, cô gái trẻ này vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời, vượt qua những cơn đau một cách kỳ diệu. Huế chính là động lực cho những người cùng cảnh ngộ.

Mới đây, người dùng mạng lặng người trước bức tâm thư chỉ với một từ “Huế”. Bức tâm thư này được gửi đến từ một dự án mà Phạm Thị Huế đang thực hiện cùng.

Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, cô gái Phạm Thị Huế cho biết: “Mình đang tham gia diễn kịch “Hãy nhớ mi sẽ chết” và có chia sẻ thông tin cá nhân của mình cho dự án. Mình cũng khá bất ngờ với bài viết này. Đọc những dòng chữ thấy vô cùng xúc động. Mong rằng bài viết sẽ truyền cảm hứng được cho nhiều người”.

Huế - cô gái mắc ung thư nhưng luôn nở nụ cười trên môi.

PV xin phép được trích dẫn lại bức tâm thư “Huế”:

"Nụ cười của em lấp lánh mọi khoảnh khắc, ngay cả khi em nói về cái chết, về việc mất 1 phần cơ thể, về nỗi đau của ung thư.

Nước mắt của em chỉ bắt đầu rơi khi nói về tình yêu. Một thứ tình yêu tinh khiết, không bám víu. Tình yêu giữa con người với con người.

Cái chết

“Cái chết bây giờ gần như quá vô thường với em luôn. Một ngày, một tháng em có thể nghe rất rất rất nhiều cái chết của bệnh nhân điều trị ung thư. Trước kia em có thể khóc cả ngày vì một người không quen biết nhưng bây giờ điều đó rất vô thường, ai cũng phải mất. Với bệnh nhân ung thư, đó là giải thoát.”

Nói rồi em cười:

“Thỉnh thoảng trong suy nghĩ của em có cảm giác yếu đuối. Suy nghĩ trong đầu như thế nhưng em cố gắng vượt qua. Thay đổi luôn trong cái khoảng đó, chỉ vài phút thôi. Em nghĩ mình cần thay đổi để lạc quan hơn. Cứ ủ rũ ủ rũ mãi mình cảm thấy mệt, người không có tí năng lượng nào. Bệnh thì cũng thế rồi, chẳng nghĩ làm gì nhiều. Em không còn nghĩ mình sống được bao lâu. Không còn lo sợ về cái chết.”

Nỗi đau:

“Em chỉ sợ đau, chứng kiến nhiều cảnh đau, em rất sợ. Liệu có giải pháp nào tốt hơn? Nếu sống mà đau đớn thì khổ lắm. Tết vừa rồi em đau có 5 ngày, mà đã thấy kinh khủng lắm rồi. Không ăn, không đi lại được, chỉ nằm 1 chỗ thôi. Đây mới là đau bình thường, chưa phải dùng thuốc giảm đau mà em đã cảm thấy không thể chịu được rồi. Đến khi cơn đau dữ dội hơn thì em không thể tưởng tượng nổi nó như thế nào?”

Nói rồi em lại cười:

“Hồi bắt đầu bị bệnh em tiêm suốt, truyền xong 6 lần hóa chất của phác đồ 1 là em kinh bệnh viện luôn ý. Em thề là em không đi bệnh viện nữa. Nó thật sự kinh khủng, em cảm thấy cơ thể rất mệt, không đủ sức tiếp tục, ăn rồi lại nôn ra. Phác đồ lúc đó vẫn còn nhẹ, không rụng tóc. Cứ nghĩ là sau 6 lần truyền hóa chất ra viện là ổn định không phải vào bệnh viện nữa, vậy mà chỉ 2 tháng sau ra viện e tái phát, tiếp tục truyền phác đồ 2 hóa chất nặng hơn. Cứ hình dung như phác đồ 1 là không rụng tóc, nhưng vừa truyền có 2 lần của phác đồ 2 xong lúc chải đầu, chạm nhẹ thôi mà hết nửa mảng đầu. Lúc đấy em chui vào chăn khóc luôn.”

Em lại cười, rất tươi:

“Em nhớ lúc ở Viện truyền hoá chất mệt mỏi xong, kéo nhau 1 đoàn quân chống nạng đi từ trong ra cổng bệnh viện. Toàn thanh niên trẻ đầu thì trọc lóc hết, thế là ai cũng để ý. Nhiều người mới phát hiện ung thư, người ta nhìn thấy thế thì rất là sợ, không hiểu tại sao nhiều thanh niên chống nạng thế kia. Những người ở bệnh viện lâu rồi thì người ta rất thương. Điều trị thì rất là mệt nhưng ra ngồi quán anh em nói chuyện, chém gió rất là vui. Em cảm giác mọi người rất kiên cường mạnh mẽ. Đi cùng, mình có thêm sức mạnh, mọi người nhìn không cảm giác sợ hãi, mà vui vẻ, lạc quan. Như kiểu mình ở trong đội quân đang chiến đấu kiên cường.

Huế chính là nghị lực sống cho những bệnh nhân ung thư khác.

Tình yêu

Bất ngờ bị hỏi, em lại cười trước tiên:

“À, tình yêu có ạ. Khi điều trị ở viện, em có quen rất nhiều anh bị ung thư xương, đi đâu cũng có nhau. Ban đầu, anh ấy nhắn tin thích em. Lúc đấy em chỉ chơi bạn bè thôi. Sau đó, anh ấy bị cắt 1 chân, di căn nên chân to đùng phải tháo khớp. Đó là thời gian khó khăn nhất của anh ấy, ăn bao nhiêu nuôi hết khối u. Người như kiểu da bọc xương. Lúc đấy em nhận lời làm người yêu như 1 lời động viên. Nhưng rồi, anh yêu em thật sự luôn. Sau khi anh tháo khớp lại khỏe mạnh bình thường thì bố mẹ em biết, cấm không cho yêu đương gì ở trong viện như thế đâu. Chương trình điều ước thứ bảy cũng muốn quay về em và anh ấy nhưng bố mẹ em không đồng ý. Sau đấy, em nghĩ anh khỏi rồi nên yên tâm. Em theo bố mẹ cũng không yêu nữa.

Sau 1 thời gian anh ấy phát hiện bị di căn phổi. Anh không kể nhưng mọi người đi từ thiện vào thăm anh rồi kể lại thì em mới biết. Bố mẹ không cho yêu nhưng hai người vẫn nhắn tin hỏi thăm kiểu bạn bè. Em biết anh ấy rất buồn. Anh di căn thì em lại nhận lời yêu anh tiếp nhưng giấu bố mẹ. Em vẫn lên thăm anh ấy ở bệnh viện Vĩnh Phúc, sau khi bác sĩ ở Bệnh viện K trả về. Sau lần đấy hai người bọn em yêu nhau rất tình cảm, bởi thời gian ngắn ngủi của anh ấy không còn nhiều. Bác sĩ cho biết anh di căn phổi được khoảng 6 tháng thôi, mà lúc đó là tháng thứ tư rồi. Lúc đấy em dành hết thời gian để cho anh ấy, những điều nhỏ nhất từ nấu ăn hay nói chuyện, nhắn tin thôi. Buổi tối anh hút dịch là em ở viện chăm anh.

Hôm nào không đi học thì em lên viện. Chăm đến thời gian cuối cùng em nhớ nhất là em đi thi, lúc đấy anh lên viện hút dịch. Trong 10 ngày cứ buổi tối nhắn tin, nói chuyện bình thường. Anh giấu em, 3 ngày cuối cùng rất là đau, mệt, chỉ có ngồi không nằm được, thở ô xy. Không cho mẹ và chị gọi điện thông báo cho em. Đến khi em thi xong lên thăm anh, bất ngờ bước vào cửa phòng bệnh viên thì BS bảo T.A đang ở phòng cấp cứu…”

Lần đầu tiên trong cả buổi trò chuyện, Huế bối rối, và rơi nước mắt:

“…Em sang đấy thì tất cả đang quanh giường bệnh, hai tay anh đặt trên ghế, người không còn sức sống nào luôn. Tóc bù xù, mệt không nói được. Em vào anh vẫn gắng hỏi “Vợ lên đây làm gì đấy? Không ở nhà ôn thi đi”. Em bảo “Em thi xong rồi”. Vừa hỏi thăm vài ba câu, anh đã trong trạng thái không thể nói được nữa, rất mệt, chỉ thở thôi. Đấy là hôm cuối cùng em thăm anh. Bác sĩ bảo đưa về nhà thôi chứ không mất ở bệnh viện. Lúc mẹ làm giấy tờ ra viện, em ngồi ôm anh ấy. Anh chỉ ôm lại, không nói gì nữa. Về nhà nửa tiếng sau thì anh mất.”

Và Liên:

“Em cảm thấy vai Liên rất giống em luôn ấy ạ. Em không biết bây giờ mình làm gì? không biết ung thư sống được bao lâu? Không biết mình có nên tiếp tục học không? Học xong bệnh nặng hơn thì làm được gì? Tư tưởng đặt ra là cố gắng chắc mình sẽ khỏi bệnh, cứ đi học đi. Biết đâu mình khỏi sau khi ra trường có công ăn việc làm.

12 năm học bỏ dở, vừa bắt đầu đại học mà bỏ thì hơi phí nên là cố gắng học. Cảm xúc của em diễn ra gần như giống chị Liên. Em mong người nhà của những bệnh nhân ung thư đến xem vở kịch, để người ta biết người ung thư thật sự muốn gì. Và tất cả mọi người cùng đến xem, cảm nhận sự đau đớn và cái chết, để ý thức được việc ăn uống sạch sẽ, an toàn, bia rượu và nhiều thứ tệ nạn khác, quan tâm hơn đến sức khỏe, trân trọng cuộc sống của chính mình, đặc biệt các bạn thanh niên.

Hãy để điểm đến của mình là chính ngày hôm nay ta được hạnh phúc, điểm xuất phát là ta vẫn còn thở. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa… ngay cạnh chúng ta, khi được hít chung một bầu không khí, tận hưởng hạnh phúc từ những việc đơn giản nhất, trong từng hơi thở.”

Tác giả: Mai Thu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: cô gái ung thư , tâm thư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP