Trong nước

Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 quy mô lớn: Ai được ưu tiên?

Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 được triển khai từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022. Bộ Y tế đặt mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin trong năm 2021 và hết tháng 1-2022, sẽ phủ vắc-xin trên 70% dân số.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 năm 2021-2022. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19. Kế hoạch này sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc-xin.

Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 được triển khai từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022 - Ảnh: Hoàng Triều

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Sử dụng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng chống dịch chủ động.

Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022, tại tất cả các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (gồm điểm tiêm chủng lưu động và cố định).

Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 trong năm 2021. Tới hết quý 1-2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19.

Theo kế hoạch này, chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc-xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc-xin cho người dân; đảm bảo tiêm hết số lượng vắc-xin trước khi hết hạn để tránh lãng phí.

Ngoài ra, chiến dịch huy động hệ thống chính trị tham gia, huy động tối đa lực lượng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, công an, quân đội… hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng quy định 2 nhóm đối tượng và 4 nhóm tỉnh thành ưu tiên tiêm chủng. Theo đó, toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin Covid-19 theo khuyến cáo của nhà sản xuất được coi là đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này. Bộ Y tế nhấn mạnh 2 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Chiến dịch sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố.

Thứ nhất là tỉnh, thành đang có dịch, trong đó sẽ ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.

Thứ 2 là các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ

Thứ 3 là các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

Thứ 4 là các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Đối tượng tiêm chủng theo Kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế:

a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

b) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách lỵ, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

c) Lực lượng Quân đội;

d) Lực lượng Công an;

đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

i) Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi;

k) Người sinh sống tại các vùng có dịch;

l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

Tác giả: N.Dung

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP