Xã hội

Bảo vệ, phát triển rừng để phòng chống thiên tai

Tại Hội nghị tổng kết công tác thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR)-Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 diễn ra ngày 27-4 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, nhiều vấn đề đã được các đại biểu đặt ra. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã ghi nhận những nội dung cốt lõi từ hội nghị lần này.

Lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ. Ảnh: K.T

Tiềm ẩn nhiều bất trắc

Khi đưa ra đánh giá về công tác quản lý, BV&PTR năm 2016, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là, số vụ và diện tích rừng bị cháy tăng cao so với trước đó 1 năm; chính quyền cơ sở nhiều nơi còn thiếu kiên quyết, chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc phá rừng, gây cháy rừng; tình trạng phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ... Điều này thể hiện khá rõ khi Chi cục Kiểm lâm đã lập hồ sơ chuyển Thanh tra TP 3 vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm về phá rừng trái pháp luật xảy ra tại bán đảo Sơn Trà thuộc P.Thọ Quang; lập hồ sơ chuyển Cơ quan CSĐT CAQ Liên Chiểu 1 vụ phá rừng xảy ra tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân, thuộc P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu và quyết định khởi tố 1 vụ án hình sự "Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" chuyển Cơ quan CSĐT CATP để điều ra, xử lý. Kèm theo đó là tình hình chống người thi hành công vụ. Trong số 2 vụ thì có 1 vụ xảy ra tại chốt bảo vệ rừng La Sơn-Túy Loan (xã Hòa Bắc). Đối tượng bị kiểm ra, ngăn chặn vào rừng săn bắt động vật trái phép đã có hành vi lôi kéo một số thanh niên địa phương đến gây gổ, đập phá vật dụng của chốt kiểm tra và 1 vụ xảy ra tại khu vực giáp ranh P.Hòa Hiệp Bắc với xã Hòa Bắc khi một số đối tượng khai thác gỗ trái phép lôi kéo người dân địa phương tụ tập đông người gây gổ, cản trở, ngăn cản không cho tổ công tác thu gom lâm sản trái phép để vận chuyển về nơi quy định.

Trong khi đó, theo BCH PCTT&TKCN TP, xâm nhập mặn trung bình trên hầu hết các vùng hạ lưu các sông TP Đà Nẵng năm nay có khả năng ở mức mạnh hơn. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, số ngày mặn buộc Nhà máy nước Cầu Đỏ phải lấy nước thô từ trạm bơm phòng mặn thượng lưu đập dâng An Trạch là 3 ngày, độ mặn cao nhất là 354mg/l vào ngày 8-4-2017. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ Đinh Phùng Bảo đưa ra cảnh báo, trong năm 2017, tổng số cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông có khả năng sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, có khoảng 13-15 cơn, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam khoảng 4-5 cơn và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đà Nẵng từ 1-2 cơn. Tuy nhiên cũng cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp. Trong mùa khô năm 2017, nhiệt độ cao nhất tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận có thể đạt từ 38-39 độ C, khả năng xảy ra vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7-2017. Theo dự báo, trong mùa lũ năm nay, trên sông Vu Gia-Thu Bồn và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông có khả năng dao động ở mức báo động 2, báo động 3; trên sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn. Ảnh: P.K

Coi trọng phương châm "4 tại chỗ"

Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự hội nghị khi đề cập đến kế hoạch BV&PTR, PCCCR, công tác PCTT&TKCN trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án, kế hoạch PCLB&TKCN, bảo đảm an toàn các hồ chứa, các công trình thủy lợi, phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du các hồ chứa nước. Tổ chức kiện toàn các đơn vị quản lý hồ chứa đủ năng lực quản lý công trình, nhất là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý gắn với việc kiểm định an toàn và thường xuyên duy tu, sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình và khả năng cấp nước sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du phù hợp với các điều kiện thực tế hiện nay. Riêng đối với Bộ TN&MT, TP Đà Nẵng đề nghị Bộ này làm việc với Bộ NN&PTNT để sớm có phương án chỉnh trị ngã ba sông phân nước Vu Gia-Ái Nghĩa-Quảng Huế, khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây. Trước mắt, đề nghị nâng cao trình đập rọ đá điều tiết nước tại đầu sông Quảng Huế từ +2,3m lên 2,8m. Thời gian đến, UBND TP cũng sẽ cùng với các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ và đầu tư kinh phí để thực hiện chương trình củng cố và nâng cấp đê biển, chống sạt lở bờ sông: Túy Loan, Cu Đê, sông Yên, sông Vĩnh Điện và sạt lở bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, Trường Sa, Hoàng Sa, bờ biển P.Hòa Hiệp Bắc. Tổng chiều dài đê, kè sông, biển cần đầu tư xây dựng khoảng hơn 80km, kinh phí dự kiến khoảng 3.350 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện duy tu, sửa chữa và nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa bị hư hỏng, với tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 50 tỷ đồng...

Hy vọng rằng với những giải pháp đó cùng với việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", TP Đà Nẵng tiếp tục có những bước tiến mới trong công tác BV&PTR và PCTT&TKCN trong năm 2017 này.

Tác giả: Phương Kiếm

Nguồn: Báo Công an TP Đà nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP