Tin địa phương

Bảo tàng và ký ức văn hóa biển

Những đường nét phác họa sinh động về đời sống văn hóa vùng biển Đà Nẵng đã và đang được những người tâm huyết góp nhặt, dành không gian trưng bày. Nhưng theo nhiều ý kiến, bấy nhiêu là chưa đủ đối với một thành phố gắn liền với biển từ bao đời như Đà Nẵng.

Quần thể Lăng cá Ông ở Làng biển Tân Trà giờ chỉ còn trong ký ức của người dân. Ảnh: HỒ TRUNG TÚ

Nổi bật trong chuyên đề trưng bày “Đời sống ngư dân và cảng biển” tại Bảo tàng Đà Nẵng là mô hình chiếc ghe bầu - ngư cụ đặc trưng của cư dân vùng biển Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng, vùng biển Nam Trung Bộ nói chung.

Theo giải thích của hướng dẫn viên bảo tàng, tên gọi “ghe bầu” có thể xuất phát từ 2 từ biến âm trong tiếng Mã Lai - Nam Đảo là từ “gay” (ghe, thuyền) và “pràu” (tiếng chỉ loại thuyền buồm Mã Lai). Cũng có thể là từ gọi theo hình dáng của loại ghe này.

Đây là loại thuyền biển có tải trọng lớn (từ 50 - 100 tấn), ngày trước thường được dùng để vận chuyển hàng hóa giữa Đà Nẵng, Hội An, các tỉnh Nam Trung Bộ với các vùng miền trong nước và buôn bán với nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Ghe bầu thịnh hành nhất vào khoảng thế kỷ 16 đến 19. Trong suốt thời kỳ lịch sử ấy, loại ghe này có vai trò quan trọng cả về kinh tế, quân sự lẫn văn hóa.

Bên cạnh ghe bầu, những ngư cụ truyền thống của cư dân vùng biển Đà Nẵng suốt bao thế hệ vẫn tồn tại cho đến ngày nay như các loại ghe biển, thuyền thúng, các loại lưới, câu, vó, cào biển... được trưng bày trang trọng trong tủ kính, gắn với những câu chuyện của người đi biển tại bảo tàng. Thú vị nhất có lẽ là câu chuyện về mắt thuyền, mắt ghe.

Vẽ mắt cho thuyền là một phong tục bắt nguồn từ những quan niệm mang đậm tính huyền thoại mà các cư dân sống vùng sông nước truyền miệng nhau. Trước khi hạ thủy, những chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ đều phải được vẽ lên đôi mắt. Mỗi ngư dân, mỗi địa phương đi biển có cách vẽ mắt thuyền khác nhau song điểm chung là đều gửi gắm ước vọng an lành, ấm no trong những chuyến đi biển. Mắt thuyền dẫn lối sáng suốt cho người đi biển, giúp xua đuổi những loài thủy quái, đem lại một chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió...

Tại chuyên đề này, Bảo tàng Đà Nẵng còn dành một không gian đặc biệt tái hiện sống động thể thức tổ chức lễ hội Cầu ngư - lễ hội tiêu biểu nhất trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa của ngư dân Đà Nẵng gắn với tục thờ Cá Ông.

Trong khi đó, phần trưng bày về cảng biển Đà Nẵng (Cửa Hàn xưa) giới thiệu bản đồ vị trí cảng và một số dụng cụ, trang thiết bị sử dụng trong một số hoạt động tại cảng biển Đà Nẵng ngày trước nhằm khẳng định vị trí tiền cảng trọng yếu của cảng biển Đà Nẵng trong giao thương buôn bán cũng như chiến lược quân sự.

Bảo tàng Đà Nẵng là nơi lưu giữ và phát huy những di sản tinh hoa văn hóa của mảnh đất đầu biển cuối sông này, vì vậy, không thể thiếu những di sản gắn với đời sống văn hóa biển. “Gần 80 hiện vật, tranh ảnh được trưng bày chỉ là những nét phác họa phần nào đó đời sống văn hóa biển Đà Nẵng, nhưng chúng tôi luôn coi đây là nội dung quan trọng bậc nhất trong các chuyên đề tuyên truyền, từ khi bảo tàng thành lập cho đến nay”, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện khẳng định.

Những người nặng lòng với văn hóa biển Đà Nẵng có thể tìm thấy những trải nghiệm thú vị tại gian trưng bày “Ký ức làng chài” của Bảo tàng Đồng Đình (đường Hoàng Sa) do NSƯT Đoàn Huy Giao sáng lập. Đúng như tên gọi - “Ký ức làng chài” - Không gian nhỏ hẹp của căn chòi được làm từ xác của 2 con thuyền gỗ, 3 con thuyền nan và 5 cái thúng chai.

Trong căn chòi trưng bày những đôi bầu đựng mắm, thúng chai, phao tàu thuyền, chiếc đèn măng-sông đi biển, chum, vại, nơm, cối đá được tiền hiền của làng biển Nam Thọ mang theo lúc khai khẩn đất đai… Những bức ảnh về bãi biển Sơn Trà lúc còn hoang sơ, chân dung ngư dân thế kỷ XX, bút tích liên quan đến sự ra đời, phát triển của làng biển Nam Thọ - làng biển lâu đời và được xem là giàu có bậc nhất về văn hóa biển Đà Nẵng cũng được sắp đặt đầy dụng ý.

Theo chia sẻ của NSƯT Đoàn Huy Giao, ông đã mơ về không gian làng chài quê hương từ khi ý tưởng xây dựng bảo tàng Đồng Đình vừa manh nha cách đây mười mấy năm. Song, vì những hạn chế khách quan, chủ quan, phải đến những năm 2013-2014, “giấc mơ” về ký ức làng chài mới trở thành hiện thực.

Thời điểm này, thành phố mở con đường Hoàng Sa, chạy dọc ven biển lên bán đảo Sơn Trà, ảnh hưởng ít nhiều đến làng chài Nam Thọ nằm dưới chân bán đảo. Vì vậy, “ký ức làng chài” ra đời như một động thái góp phần lưu giữ, cân bằng những vẻ đẹp văn hóa vùng biển Đà Nẵng trước cơn bão đô thị hóa.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng: Bây giờ mới đặt vấn đề xây dựng bảo tàng biển là quá chậm!

Bây giờ mới đặt vấn đề xây dựng bảo tàng biển ở một thành phố cảng biển từng sôi động với những Lộ Hạc thuyền từ thế kỷ XV như Đà Nẵng là quá chậm. Càng chậm hơn khi Đà Nẵng đang đứng trên tuyến đầu Tổ quốc trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa bằng các giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, bảo tàng biển ở Đà Nẵng phải tạo được sự khác biệt với Bảo tàng Hải dương học Nha

Trang - thực chất là một bảo tàng sinh vật biển. Đà Nẵng không nên đi theo hướng bảo tàng sinh vật biển. Đà Nẵng cũng không nên đi theo hướng một bảo tàng hàng hải/công nghiệp đóng tàu. Đà Nẵng nên đi theo hướng bảo tàng văn hóa biển nhằm lưu dấu lịch sử khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của các thế hệ người Việt Nam.

Nếu theo hướng này thì Đà Nẵng cũng không bắt đầu từ số không tay trắng, bởi lâu nay Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Đồng Đình cũng từng trưng bày chuyên đề về văn hóa biển của người Việt Nam ở miền Trung, hoặc sắp đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng sẽ góp phần khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng thuộc quyền quản lý của Đà Nẵng đang bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ hơn bốn chục năm nay. Đặc biệt, truyền thống văn hóa biển của người Việt Nam cũng đang được lưu giữ trong ký ức của cộng đồng cư dân duyên hải ở Đà Nẵng...

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng: Cần một bảo tàng biển của Việt Nam đặt tại Đà Nẵng

Không có lý do gì để một đất nước, một thành phố mà biển ôm trọn vào lòng lại không kể một câu chuyện về biển. Cách đây mấy năm, Đà Nẵng đã đặt vấn đề xây dựng một bảo tàng biển Đà Nẵng trong Đề án quy hoạch các bảo tàng trên địa bàn thành phố đến 2020. Theo tôi, để xứng tầm ý nghĩa văn hóa, nên nâng tầm bảo tàng biển này lên tầm quốc gia (đặt tại Đà Nẵng) chứ không chỉ là một bảo tàng địa phương. Đà Nẵng sẽ có rất nhiều việc cần làm, song, nhất thiết cần sự vào cuộc của Chính phủ”...

Tác giả: THANH TÂN

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP