Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên qua ảnh chụp vệ tinh. Triều Tiên đã phá hủy bãi thử này hồi cuối tháng 5 nhằm mở đường cho hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. (Ảnh: AP) |
Theo Munhwa Ilbo, giới chức Mỹ đã phát hiện tới 3.000 cơ sở được cho là có liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nếu thông tin này được xác thực, quá trình giải trừ hạt nhân theo cam kết giữa Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ mất rất nhiều thời gian.
Tại hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6 tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên cam kết sẽ từng bước giải trừ hạt nhân để đổi lại việc Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, song văn kiện này không nêu cụ thể lộ trình giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump từng thừa nhận rằng, quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ mất thời gian, không thể hoàn tất một sớm một chiều chỉ sau một cuộc họp.
Những người chỉ trích cho rằng, Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá nhiều và quá dễ dãi khi chấp nhận cam kết giải trừ hạt nhân chung chung của Triều Tiên thay vì chi tiết, cụ thể như yêu cầu trước đó của Washington là giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".
Trong khi đó Choson Sinbo, báo chủ trương ủng hộ Triều Tiên, cho rằng, cam kết giải trừ hạt nhân và giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" là hai vấn đề hoàn toàn riêng biệt.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí