Bản kiểm điểm của nữ giáo viên phạt học sinh |
Bạo lực học đường- quả bóng bơm chưa đủ căng
Câu chuyện cô Nguyễn Thị Minh Hương – giáo viên trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng phạt học sinh bằng cách bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, với nhiều cảm xúc khác nhau. Nhiều người bức xúc và cho rằng giữa thời đại văn minh này, một cô giáo lại có hành động gây tổn thương tinh thần, sức khỏe của học sinh giống như thời trung cổ.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tại Nhật Bản, tác giả cuốn sách "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" chia sẻ: “Là một giáo viên, cũng là một phụ huynh tôi vừa buồn vừa phẫn nộ xen lẫn cay đắng khi đọc tin về vụ việc này.
Trường tiểu học An Đồng - nơi xảy ra sự việc |
Bạo lực học đường nó như quả bóng bay bơm chưa đủ căng. Khi chúng ta dùng áp lực nén chỗ này thì nó phải lồi ra chỗ kia. Người giáo viên bị o ép đủ thứ từ lương, chế độ làm việc, môi trường làm việc tới thành tích, thi cử đủ thứ bà dằn trong khi trong trường sư phạm lại không được học đầy đủ về luật, về quyền trẻ em, quyền con người, tâm lý học…
Bên cạnh đó, môi trường nhà trường lại quan liêu, cửa quyền, giáo viên luôn sợ...Áp lực vô lý đó là mảnh đất màu mỡ cho bạo lực sinh ra.
Muốn giải quyết phải là dân chủ hóa bộ máy hành chính giáo dục, nếu không xử cô này sẽ mọc ra cô khác. Ngăn phụ huynh này sẽ có phụ huynh côn đồ khác. Mong rằng, Bộ GD&ĐT, sở, phòng, tổ, trường, hiệu trưởng, tổ trưởng, thanh tra đừng tư duy rằng bằng cách "tăng cường quản lý " hay "tăng cường thanh tra”" , "đề nghị xử lý nghiêm minh” " là có thể giải quyết được”.
Nước ta đã có luật bảo vệ trẻ em, rồi cũng là một trong những quốc gia sớm nhất ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, thế nhưng nạn bạo hành trẻ em dường như đã đi quá xa.
Đứa trẻ ấy lớn lên trong bạo lực sẽ mang máu bạo lực trong người. Đó chính là vòng luẩn quẩn "bạo lực sinh ra bạo lực" trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Cần tạo không gian thoải mái, dân chủ trong trường học
Thầy Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: “Về bạo lực cá nhân tôi cũng có chút trải nghiệm. Khi dạy ở trường X tôi dạy một lớp học sinh lớp 8 gồm toàn những em bị liệt vào dạng "cá biệt".
Phải nói là rất vất vả. Nhưng khi tôi dạy ở đó, không rõ có phải vì môn tôi là môn phụ hay không hay vì tôi chẳng dại gì mà gây áp lực mà các em đối xử với tôi rất trìu mến nhẹ nhàng.
Có một hôm tôi tới trường thì có một học sinh (em này bị cụt một tay) ôm tôi khóc bảo mai em chuyển trường rồi vì đánh nhau, bao giờ mới gặp lại thầy. Tôi thực sự rất lúng túng chỉ biết bảo em cố gắng kiềm chế đừng bao giờ đánh nhau nữa”.
Học sinh ngày nay sinh ra trong thời đại này bị bủa vây và quay cuồng bởi nhiều thứ. Nhiều em đã bị gia đình nhào nặn thành những người có xu hướng bạo lực từ nhỏ hoặc có tính cách rất khó chịu.
Nghề giáo không chỉ gian khổ mà giờ còn rất nguy hiểm. Để giải quyết tình trạng này thì càng "tăng cường" càng làm cho tình hình trầm trọng.
Khi bị "nhốt" trong không gian hẹp người ta sẽ dễ va chạm với nhau và nảy sinh bạo lực. Hãy tạo ra không gian thoải mái, rộng rãi và dân chủ. Tự khắc bạo lực sẽ lùi bước”.
““Bạo lực”, đừng nghĩ nó xa mình, ai cũng có thể là nạn nhân và ai cũng có thể là thủ phạm nếu để tình trạng này tiếp diễn vì ai chẳng có người thân có con đi học hay làm giáo viên. Không cải cách hành chính giáo dục theo hướng dân chủ, phân quyền những chuyện thế này còn tiếp diễn. Phụ huynh đánh giáo vẫn sẽ còn tiếp tục”, thầy Nguyễn Quốc Vương chia sẻ. |
Tác giả: Trịnh Huyền
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại