Không riêng gì tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV) Nhi phía Nam, theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM, viêm não Nhật Bản cũng đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh phía Bắc.
Quá tải ngay đầu mùa
Tuy mới ở giai đoạn đầu của mùa viêm não Nhật Bản (mùa viêm não bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào khoảng tháng 10 - PV) nhưng tình trạng bệnh nhi đến cấp cứu, điều trị, nằm thở máy tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM đang ở mức báo động. Thậm chí BV đã cho nằm 2-3 bé/giường nhưng vẫn còn khá nhiều bệnh nhi nội trú phải gửi từ khoa nhiễm sang khoa cấp cứu để nằm tạm.
Dọc hành lang khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, tiếng khóc ngất của những đứa trẻ ba tuổi, năm tuổi náo loạn không gian chật hẹp. Cộng với đó là ánh nhìn bất lực của những người cha, người mẹ khi chứng kiến con mình mất trí nhớ gần như hoàn toàn, thậm chí có trẻ nằm bất động mà không làm gì được.
“Con bé bắt đầu sốt cách đó hai ngày, sang ngày thứ ba thì cháu mê sảng, thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng. Khi mới vào viện cách đây mấy tháng, con gái tôi vẫn còn đỡ hơn, còn ngó cha mẹ, hiểu được bác sĩ nói gì. Bây giờ thì bất lực, ngày ngày tôi chỉ vào đây lau người cho con. Nó hôn mê tháng này qua tháng nọ, phải thở máy” - chị Trần Thị Yến Nga (ngụ huyện Châu Thành, Bến Tre) nói.
Còn tại các tỉnh phía Bắc, chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng bệnh nhi nhập viện do viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương (Hà Nội) tăng bảy lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, có hai trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị liệt nửa người, liệt tứ chi do chưa tiêm phòng bệnh và khi nhiễm bệnh thì cha mẹ không kịp thời phát hiện.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25%-35%). Tính từ đầu năm 2017 đến nay khoa đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6 đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.
Tình trạng quá tải bệnh nhi viêm não Nhật Bản tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HÀ PHƯỢNG |
Nhiều người chưa hiểu biết về bệnh
Viên não Nhật Bản không được xem là bệnh mới. Tuy nhiên, so với rất nhiều người thì viêm não Nhật Bản vẫn đang còn là bệnh lạ hoặc bệnh chưa đáng nguy hiểm đến mức để quan tâm.
Qua khảo sát với vài người mẹ có con mắc viêm não Nhật Bản nằm tại BV Nhi đồng 1, họ cho biết mình không hiểu gì về bệnh này và thậm chí không biết con mình đã từng chích ngừa hay chưa.
Theo chị Lê Thị Bé Nhớ (ngụ Tân Hòa, Long An), do gia đình nghèo quá, không có tiền tiêm vaccine phòng viêm não cho con nên giờ cháu mới bị bệnh. “Nhưng nếu tôi có tiền cũng không biết có chích vaccine ngừa cho con hay không, vì hồi giờ tôi không để ý đến vaccine này. Đẻ con ra, họ kêu tôi đưa con đi chích ngừa định kỳ thì tôi chở nó đi chích, 4-5 lần gì đó rồi thôi tới giờ chứ tôi cũng không biết chích cái nào chống bệnh gì” - chị Nhớ cho hay.
Kinh nghiệm nhiều năm quan sát viêm não Nhật Bản, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, nhận định: “Lâu nay tôi có cảm giác chúng ta chưa làm gì để kéo giảm số ca viêm não Nhật Bản. Thực tế mỗi năm tình trạng trẻ mắc viêm não Nhật Bản không có dấu hiệu đi xuống, trong khi đó biến chứng để lại rất nặng nề, có trẻ phải nằm thở máy cả năm trời, có cháu mê sảng lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm mô, bội nhiễm phổi kéo dài đưa đến tử vong” - BS Khanh nói.
Lưu ý chích đủ mũi vaccine “Chúng ta đã có chương trình tiêm vaccine viêm não Nhật Bản nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Vì vậy, phụ huynh nên lưu ý mũi chích này từ khi các cháu còn nhỏ. Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Trẻ cần được tiêm hai lần cách nhau 7-14 ngày, sau đó một năm nhắc lại mũi thứ ba, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại, giá mỗi mũi khoảng 130.000 đồng. Nếu chích hai mũi đầu mà bỏ mũi thứ ba sẽ không có tác dụng. Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền, chích ngừa tốt, chích ngừa sớm cho người dân, tạo được thói quen diệt muỗi, ngăn bệnh ngay từ ban đầu” - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TP.HCM. Hiện viêm não Nhật Bản chiếm 50% viêm não các loại tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1. Đa phần các trẻ mắc bệnh đều đến từ vùng ĐBSCL, hơn cả khu vực Đông Nam bộ. Do đặc thù của vùng này có rất nhiều muỗi ruộng sinh sống, mà chính loại muỗi này lại là tác nhân gây bệnh. So với năm 2016, lượng bệnh nhân thở máy tăng nhiều hơn và di chứng để lại cũng nhiều hơn trước. |
Tác giả: HÀ PHƯỢNG - TUYẾN PHAN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM