Xã hội

Báo động bệnh uốn ván ở người lớn

Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM đều tiếp nhận nạn nhân của uốn ván. Đây là căn bệnh nguy hiểm, thời gian điều trị kéo dài, chi phí rất tốn kém, nguyên nhân mắc bệnh là do vi trùng tấn công những người bệnh chưa được chủng ngừa.

Theo thống kê sơ bộ tại khoa Cấp cứu, Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM trong năm 2017 có tới hơn 200 bệnh nhân mắc uốn ván được chuyển đến điều trị tại khoa. Chỉ tính riêng trong ngày 3/3/2018, tại đây đang điều trị cho 20 bệnh nhân mắc uốn ván, nhiều bệnh nhân trong tình trạng rất nặng với tiên lượng phải điều trị kéo dài.

Từ đầu năm đến nay, gần như ngày nào Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng tiếp nhận bệnh nhân bị uốn ván

BS Nguyễn Hoàng Anh Duy cho hay, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân uốn ván phải chuyển đến khoa điều trị. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nguy cơ tử vong ở người bệnh ở mức cao. Tuy nhiên, ý thức của cộng đồng trong việc phòng chống bệnh còn hạn chế khiến nhiều người bị vi trùng gây bệnh tấn công.

Trường hợp tiêu biểu nhất là bệnh nhân Nguyễn Thị M. (36 tuổi, ngụ tại Tân Thành, Tân Châu, Tây Ninh). Ngày 23/2, bệnh nhân được Bệnh viện địa phương chuyển đến Nhiệt Đới với chẩn đoán ban đầu mắc uốn ván.

Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ, thông tin từ gia đình cho hay, khoảng 14 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị tai nạn giao thông khi đang điều khiển xe gắn máy. Hậu quả của tai nạn khiến chị M. bị trầy xước đầu gối bên phải. Bệnh nhân được trạm y tế địa phương khâu 3 mũi ở vị trí vết thương nhưng không chích ngừa. 2 ngày trước khi nhập viện người bệnh có biểu hiện bị cứng hàm, gồng cứng toàn thân, gồng giật cơn ngắn.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhân tiếp tục bị gồng giật liên tục. Các kết quả xét nghiệm xác định người bệnh bị uốn ván thể nặng, dù đã được bác sĩ điều trị tích cực nhưng đáp ứng kém, có rối loạn thần kinh thực vật nên buộc phải mở khí quản, thở máy. Ngoài ra, trong quá trình nằm viện, qua các xét nghiệm bác sĩ phát hiện người bệnh mắc thêm bệnh lao phổi khiến việc điều trị kéo dài, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm, khó cai máy thở.

Hậu quả của bệnh uốn ván đang gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.V.P. (34 tuổi) cũng đã phải nhập viện vì những biểu hiển cứng hàm, cứng cổ, co gồng… Hơn 2 tuần trước, bệnh nhân bị giẫm phải vật nhọn có vết thương ở bàn chân, khi vết thương sưng tấy, làm mủ cũng là lúc người bệnh phải nhập viện. Dù đã được bác sĩ điều trị tích cực, sử dụng kháng sinh mạnh, kết hợp thở máy nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng.

BS Anh Duy cho hay, người bệnh uốn ván nếu nhập viện sớm, phải mất khoảng 1 tháng điều trị bệnh nhân mới có thể phục hồi. Những bệnh nhân nhập viện trễ, thể nặng việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, thời gian có thể phải kéo dài đến 2 tháng gây phát sinh nhiều chi phí nhưng khả năng bình phục sau điều trị chậm.

Nhiều người bệnh mắc uốn ván điều kiện kinh tế khó khăn, không có bảo hiểm y tế chi phí điều trị trung bình tốn khoảng hơn 100 triệu đồng. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế chi phí cũng giao động từ 30 đến 50 triệu đồng. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, người bệnh bị uốn ván còn trở thành gánh nặng cho gia đình bởi sau điều trị dù người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn thần kinh nhưng vận động sẽ hồi phục lâu (từ vài tháng cho đến 1 năm) nên bệnh nhân cần hỗ trợ tập vật lý trị liệu phục hồi.

Uốn ván là do độc tố của vi trùng Clostridium tetani tồn tại trong môi trường đất nước, xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua vết thương hở. Những bệnh nhân không được tiêm ngừa uốn ván từ trước hoặc xử trí không đúng cách sau khi bị thương sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh. BS khuyến cáo, giải pháp hiệu quả để phòng bệnh là chủ động chích ngừa uốn ván từ nhỏ và chích nhắc sau 5 đến 10 năm. Trường hợp chẳng may bị thương tích, phải đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc vết thương và hỗ trợ chuyên môn.

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP