Kinh tế

Bán lẻ nội địa tự tin làm chủ thị trường

Dư địa ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều khoảng trống và cơ hội phát triển mạnh. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh ở mức cao hơn, các doanh nghiệp (DN) phải tập trung đổi mới bằng cách áp dụng công nghệ, tích hợp bán lẻ đa kênh, thay vì đơn kênh như thời gian qua.

Hệ thống bán lẻ nội đang phủ sóng ở nhiều tỉnh, thành.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang – Giám đốc đối tác nhà bán lẻ Nielsen Việt Nam nhận định, kinh tế tăng trưởng ở mức cao tạo điều kiện cho ngành bán lẻ hoạt động tốt hơn. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thị trường và chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là thị trường “hot” hiện nay. Việt Nam là thị trường bán lẻ truyền thống, nhưng kênh bán lẻ hiện đại cũng phát triển chóng mặt.

Tại hội thảo “Xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam từ 2018-2020 và định hướng phát triển của Saigon Co.op”, diễn ra ngày 7/11, bà Trang thông tin thêm, giá trị đóng góp của bán lẻ truyền thống ở mức 70% nhưng tăng trưởng chỉ khoảng 1%, trong khi đó kênh bán lẻ hiện đại đóng góp ở mức thấp là 26%, tuy nhiên mức tăng trưởng của kênh này đạt 11,8%.

Ông Bob Hayward - tư vấn chiến lược của KPMG cho biết, ngành bán lẻ trên toàn cầu đang thay đổi nhiều. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện, rất nhiều DN nước ngoài đã thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, một số DN công nghệ châu Âu cũng mong tham gia vào thị trường tiềm năng này. Chưa hết, DN lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, hoặc như Alibaba, We Chat, Tencent…cũng đang tiếp cận thị trường. Đây là cơ hội cho ngành bán lẻ tiếp tục “lột xác” trong tương lai.

Hiện nay, thị phần kênh bán lẻ nội chiếm 73% và chỉ 27% là của chuỗi bán lẻ ngoại. Như vậy, hiện thời các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao là 3/4, phần còn lại là của DN ngoại. Mặc dù Việt Nam thu hút khá nhiều DN bán lẻ nước ngoài, song DN trong nước vẫn đang làm chủ thị trường.

Giới chuyên gia cho rằng, các nhà bán lẻ không nên phân biệt bán lẻ online hay offline mà phải là tích hợp mô hình bán lẻ đa kênh để đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Bởi vì, khách hàng mua sắm theo hình thức online và offline tăng 49%. Song song đó, các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh về mặt thương hiệu, đồng thời phát triển Big data – dữ liệu lớn – đang là xu hướng. Nhìn lại dư địa phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, một số chuyên gia nhìn nhận là vẫn còn, rất nhiều cơ hội để phát triển và tăng trưởng cao hơn. Cụ thể là ở thị trường các đô thị lớn, người tiêu dùng gia tăng mua sắm, đặc biệt các sản phẩm cao cấp, sản phẩm bảo vệ sức khỏe...

Bà Trang dự báo, thời gian tới bán lẻ Việt tiếp tục dẫn dắt thị trường vì có sự kinh doanh khác biệt. Đơn cử, DN cung ứng kết hợp với DN phân phối đáp ứng đúng nguyện vọng người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Đây là cách mà nhà bán lẻ nước ngoài không áp dụng.

Tác giả: T.Giang

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP