Người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Top 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất năm 2013, liên tiếp 4 năm liền đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt,.. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng khiến người ta ngưỡng mộ ở tư duy làm giàu, ở khả năng làm được những điều không ai nghĩ là có thể.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, doanh nhân làm giàu từ tay trắng
Chủ tịch tập đoàn Vingroup đã có buổi trò chuyện với cán bộ tập đoàn Viettel tiết lộ nhiều bài học kinh doanh với phong cách nói chuyện rất khiêm nhường thẳng thắn và câu chuyện “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”.
“Mỗi một cán bộ nhân viên là một đại sứ của Vingroup”
Trong buổi trò chuyện, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel có đưa ra một câu hỏi cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng: “Nhân viên bảo vệ vốn là nhân viên cấp thấp nhất, thường là lương thấp nhất, bị nhiều đè nén nhất trong cấp quản lý mà ở Vingroup, không chỉ cấp trên ngay cả những nhân viên này luôn nở nụ cười tươi cả ngày, với nụ cười thật lòng chứ không phải cười gượng gạo cho qua. Làm được điều quan trọng như vậy, liệu Vingroup có bí quyết gì?”
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng không ngại chia sẻ: Đối với Vingroup, hình ảnh thương hiệu là yếu tố then chốt làm nên thành công. Nhân viên chăm sóc tốt, khách hàng đến. Ở Vingroup khen thưởng hay kỷ luật cũng đều rất nhanh. Ban truyền thông Vingroup có trách nhiệm rà soát các thông tin phản hồi về tập đoàn từ mạng xã hội như Facebook, Webtretho..để kịp thời xử lý ngay lập tức. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định: “Vingroup có phong trào “Mỗi cán bộ nhân viên là một đại sứ của Vingroup”, nghĩa là Cán bộ công nhân viên luôn phải thể hiện bản thân ở mọi lúc mọi nơi, nhân viên đang làm việc cho cả một hệ thống và là đại diện cho cả một hệ thống, là hình ảnh của cả hệ thống. Khi lãnh đạo truyền cho họ tinh thần đó để họ phải nhận biết được điều đó và thực hiện tốt trong công việc hằng ngày”.
“Thịnh hay suy là do tư duy của mình”
Khi được hỏi về vấn đề liệu ông có nghĩ rằng Vingroup đang ở thời kì thịnh vượng và có dự định kìm hãm sự “thịnh” để hạn chế cái “suy” không? Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có quan điểm rất thú vị rằng:
“Thịnh hay suy là tư duy của mình. Mình không nên kìm hãm thịnh, mà phải xác định tư duy đó chưa phải là thịnh. Và quan trọng phải ngăn cho những người xung quanh mình và bản thân mình không nghĩ đến đó là cực thịnh, hay cực suy, chỉ nghĩ nó vừa phải thôi. Vừa rồi tập đoàn Vingroup được vốn hoá ước chừng khoảng 4-5 tỷ đô, so với thế giới, công ty Vingroup còn quá nhỏ để cho rằng mình cực thịnh”.
Sau khi được ghi tên vào danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes bình chọn, ông Vượng cũng nhiều lần được các tỉ phú các nước mời gặp mặt như Bill Gate.., nhưng ông hầu như không tham gia. Lý do: “Mình quá nhỏ so với họ, chưa có gì để nói cả”. Tất cả những gì Vingroup làm được hiện nay mới là bước sơ khai. Vinpearl đang có khoảng 5000 phòng, so với Việt Nam là nhất nhưng đem ra ngoài thế giới thì như thế chưa có gì đáng để nói đến.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định bằng động thái mới nhất của tập đoàn, từ sự thay đổi slogan: “Nơi tinh hoa hội tụ đồng hành cùng sự phát triển” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Như vậy sẽ luôn giữ được ngọn lửa ấy, lý trí ấy, tác phong làm việc ấy, chứ không phải có tư tưởng hưởng thụ và hài lòng với những gì mình có.
“Nhanh” và “chất lượng”
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh: Cái gốc của “nhanh” và “chất lượng” nằm ở tổ chức, kiểm soát như thế nào.
Ông dẫn chứng: Nếu ai đó cho rằng Vingoup đang nhanh thì ông cho rằng chưa nhanh. Năm 1931, cách đây gần 1 thế kỷ, Mỹ đã có thể xây toà nhà 101 tầng trong vòng hơn một năm. Mà hiện nay Vingroup xây dựng tòa 81 tầng mất hơn 2 năm, nên về cơ bản là không nhanh. Vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức, kiểm soát, giải quyết các nút thắt, vướng mắc của nó như thế nào để nó vẫn chạy tốt, đảm bảo thời gian đi đôi với chất lượng.
Tập đoàn học tập - “Vingroup học tập”
Vingroup xây dựng chương trình “Vingroup học tập” – Ai cũng phải học. Không học hoặc không đạt chỉ tiêu học tập là cắt toàn bộ phúc lợi bổ sung; Bên cạnh đó cũng có chỉ tiêu đào tạo đối với các cán bộ lãnh đạo, phải đào tạo cấp dưới 52 giờ/năm; 1 nhân viên 1 năm phải đào tạo 100 giờ. Đây không chỉ là chương trình mà vị tỷ phú mong muốn nó sẽ trở thành văn hoá ngấm vào máu của con người Vingroup.
Khi được hỏi vì sao ông có thể tham gia và thành công với nhiều lĩnh vực như vậy, vị tỷ phú chia sẻ: “Làm công việc gì cũng phải có đam mê, nỗ lực và rất nghiêm túc với công việc. Xem thiên hạ làm thế nào, tính toán cân đối rồi cũng phải lăn xả thôi !”
Chủ tịch tập đoàn Vingroup cũng cho rằng ông không quá coi trọng những nhân sự, chuyên gia ngoại quốc. Nhân sự ngoại quốc chỉ làm tốt khi đặt vào một hệ thống đã có quy trình quy chuẩn, con người.. đầy đủ, nhưng không có bước tiến nổi bật. Trong khi đó mức lương chi trả là rất khá cao. Ông dẫn chứng, thuê nhân sự ngoại quốc làm Vinmart nhưng họ lại không đáp ứng được kì vọng của ông.
Bên cạnh đó, tỷ phú này đánh gia rằng Người Việt sáng tạo, năng động, quyết liệt, sẽ giải quyết được vấn đề, trong làm việc có thể sai sót nhưng có thể sai để sửa. Đến giờ ông xác nhận, nhân sự ngoại quốc chỉ là nhân sự thứ cấp.
Bài học làm giàu từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Dưới đây là 10 tư duy rất đáng học hỏi và có thể áp dụng ngay vào doanh nghiệp, vào công việc của chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng rút ra từ cuộc nói chuyện tại Viettel:
1. Công việc cần có quy trình, có phân nhóm nhiệm vụ, có rà soát.
2. Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và sẽ có lẽ không bao giờ có đỉnh.
3. Luôn giữ tinh thần startup, không để xuất hiện suy nghĩ hưởng thụ.
4. Nhanh không có nghĩa là không chất lượng, chúng ta chỉ lấy đó làm lý do khi yếu kém.
5. Phải dành ra thời gian để học hằng tháng, hằng năm. Cấp trên phải có thời gian đào tạo cho cấp dưới được quy hoạch rõ ràng.
6. Làm gì cũng phải đam mê, nghiêm túc với công việc, học hỏi liên tục cả đối thủ.
7. Nếu không đạt mục tiêu đặt ra sẽ cắt phúc lợi không phạt, làm tốt thưởng ngay.
8. Hãy tận dụng thế mạnh của mình thành cái mạnh nhất để cạnh tranh với cái mạnh của đối thủ.
9. Nghe khách hàng nói, khách hàng chê, xem khách hàng như người thầy để ra sản phẩm phục vụ khách hàng.
10. Đôi lúc thực hiện công việc nên tư duy cực kì đơn giản, chỉ cần chưa chết, tương lai xài tốt, và có tính lâu dài.
Tác giả bài viết: Hoàng Linh