Giáo dục

Ba trường đại học được yêu cầu bỏ bộ chủ quản

Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội và Kinh tế TP HCM được yêu cầu lập đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ Giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm tờ trình xin ý kiến Chính phủ về việc ban hành nghị định tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77 (giai đoạn 2014-2017) đã hết thời gian áp dụng và thí điểm ba trường trực thuộc Bộ bỏ bộ chủ quản.

Ba đại học gồm Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội và Kinh tế TP HCM được yêu cầu lập đề án bỏ cơ quan chủ quản Bộ Giáo dục. Đây là ba trong số 23 cơ sở giáo dục đại học đã thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ; có hội đồng trường hoạt động hiệu quả; đã được kiểm định chất lượng giáo dục.

"Chủ trương xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản và tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học công lập là phù hợp với nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ", nội dung báo cáo dự kiến trình Chính phủ nêu.

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong ba trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất "bỏ" bộ chủ quản. Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bộ Giáo dục cho biết, tại những nước phát triển, tự chủ đại học được coi là thuộc tính, quyền tự nhiên của các trường. Ở Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội (thành lập năm 1993) và Đại học Quốc gia TP HCM (thành lập năm 1995) đang hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản.

Trong 23 đại học công lập được giao thí điểm tự chủ, Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội là trường đầu tiên không có cơ quan chủ quản.

Bộ Giáo dục chỉ quyết định thành lập hội đồng trường, bổ nhiệm chủ tịch hội đồng

Cơ chế "không có cơ quan chủ quản" theo giải thích của Bộ Giáo dục là chuyển thẩm quyền quyết định các vấn đề về quản lý, điều hành trường đại học của cơ quan chủ quản cho Hội đồng trường. Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường sẽ do Bộ Giáo dục quyết định.

Bộ dự kiến thành viên của Hội đồng trường sẽ có một đại diện của Bộ Giáo dục. Chủ tịch Hội đồng trường theo định hướng là Bí thư Đảng ủy nhà trường. Người này do Bộ bổ nhiệm, sẽ được Bộ nâng lương thường xuyên, nâng lương trước kỳ hạn sau khi xin ý kiến Bộ Nội vụ, quyết định nghỉ hưu, kỷ luật, khen thưởng...

Chủ tịch Hội đồng trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng

Hội đồng trường có thẩm quyền quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường, quyết nghị việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học (trừ thành lập phân hiệu theo quy định tại Luật giáo dục đại học và thành lập trường phổ thông thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh) trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển nhà trường.

"Chủ tịch Hội đồng trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng sau khi thực hiện quy trình theo quy định và được Hội đồng trường thông qua", báo cáo của Bộ Giáo dục nêu.

Trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường sẽ quyết định việc tuyển dụng viên chức, nâng lương thường xuyên, nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức. Người này còn có quyền hạn nâng ngạch viên chức đối giảng viên, chuyên viên chính trở xuống và trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ xem xét cho ý kiến trước khi nâng lương trước kỳ hạn đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và viên chức cao cấp.

Việc kỷ luật công chức, viên chức cũng do Chủ tịch Hội đồng trường quyết định, trên cơ sở thực hiện quy trình theo quy định của pháp luật và được Hội đồng trường thông qua.

Về lĩnh vực tài chính - tài sản, trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng trường, Chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn phê duyệt các nguồn thu tài chính, sử dụng nguồn thu, chủ trương đầu tư dự án mua sắm, xây dựng cơ bản...

Hiệu trưởng được giao tổ chức thực hiện tự chủ về đào tạo

Vai trò của Hiệu trưởng trường đại học hoạt động không có cơ quan chủ quản là được Hội đồng trường giao tổ chức thực hiện nội dung đã được quyết nghị về tự chủ đào tạo.

Cụ thể, hiệu trưởng thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tự xác định chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý đào tạo, thực hiện chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo; được phê duyệt chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước.

Các hoạt động về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế của trường đại học, cũng được Hội đồng trường quyết nghị, giao hiệu trưởng tổ chức thực hiện.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP