Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh và kế hoạch đầu tư vốn đầu tư giai đoạn 2 của dự án này từ năm 2016 - 2020.
Tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 gặp áp lực khi phải vay thêm nhiều tỷ đồng |
Tại báo cáo này, Bộ GTVT đưa ra bức tranh chung về hiện trạng xây dựng tuyến đường quan trọng đường Hồ Chí Minh (toàn tuyến từ điểm đầu Pác Bó - Cao Bằng đến điểm cuối là Mũi Cà Mau, với chiều dài hơn 3.180 km (bao gồm cả các tuyến nhánh).
Kết quả triển khai, từ năm 2000 - 2007, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn 1 với 1.350km nối từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Để hoàn thành toàn bộ tuyến chính của dự án, từ năm 2007 Bộ GTVT đã lên kế hoạch thực hiện dự án thành phần (Giai đoạn 2), nối thông toàn tuyến với chiều dài gần 1.400 km. Hiện, đã hoàn thành khoảng 790 km đường (chiếm trên 56%).
Từ tháng 11/2016, các dự án thành phần trên tuyến chính và tuyến nhánh đã được khởi công, trong đó có 3 dự án tuyến chính, 3 dự án thành phần. Bộ GTVT cũng đang hoàn thiện thủ tục để triển khai 4 dư án thành phần trên tuyến nhánh tại các tỉnh Tây Nguyên.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, thời gian qua đơn vị này đã trình các cơ quan Nhà nước phê duyệt quyết toán hơn 31 dự án thành phần, gồm 25 dự án sử dụng TPCP và 6 dự án theo hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh và chuyển giao (BOT). Kết quả là có 22 dự án được phê duyệt quyết toán (trong đó có 17 dự án TPCP, 5 dự án BOT) và đưa vào khai thác, sử dụng, các dự án đều là các tuyến trục chính.
Về vốn đầu tư giai đoạn 2 của dự án "khủng" nói trên, báo cáo của Bộ GTVT cho biết ngoài số vốn đã xác định được nguồn cho cung, số còn lại cần phải huy động hoặc chưa xác định được nguồn huy động là khá lớn, chiếm 34% nguồn vốn giai đoạn 2, trong đó hàng nghìn tỷ đồng chưa cân đối ở đâu.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 dự án là 104.106 tỷ đồng, trong đó, đã xác định được nguồn cung vốn là hơn 68.400 tỷ đồng, bao gồm hơn 28.000 tỷ đồng TPCP, vốn huy động BOT là 7.200 tỷ đồng, BT (xây dựng – chuyển giao) là 11.500 tỷ đồng và ODA là 21.564 tỷ đồng...
Số vốn còn lại hơn 35.678 tỷ đồng (34% vốn dự án) giai đoạn 2016 - 2020 của dự án trên cần tiếp tục huy động từ các nguồn khác nhau, trong đó gánh nặng về phân bổ vốn từ TPCP là hơn 11.320 tỷ đồng, yêu cầu huy động vốn từ BOT cần đạt hơn 18.700 tỷ đồng, còn lại hơn 5.600 tỷ đồng là số vốn chưa cân đối được nguồn cung.
Như vậy, bài toán đặt ra là phải tìm ra nguồn vốn đầu tư hơn 35.600 tỷ đồng, trong đó 32% vốn thuộc về TPCP, cùng với đó là nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân theo hình thức BOT, BT hoặc vốn vay viện trợ khác. Đây là nhiệm vụ không dễ trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn và hiện trạng các dự án BOT đang gặp nhiều phản ứng từ dư luận trong nước.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 dự án đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối toàn tuyến đường với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí