Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: CNN |
Bộ Nội vụ Ấn Độ đã công bố các quy định mới để thực thi luật quốc tịch 2019 vào ngày 11-3, vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử vào mùa xuân, trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3.
Đạo luật Quốc tịch sửa đổi của Ấn Độ cung cấp một lộ trình nhanh chóng để trở thành công dân cho những người nhập cư đến từ Afghanistan, Bangladesh và Pakistan, trước ngày 31-12-2014.
Tuy nhiên, luật này gây tranh cãi khi không chấp nhận cho những người nhập cư theo đạo Hồi được nhập tịch Ấn Độ dù tín đồ đạo Hồi chiếm phần lớn ở ba quốc gia: Afghanistan, Bangladesh và Pakistan.
Luật trên sẽ áp dụng cho các nhóm tôn giáo thiểu số bị đàn áp vì lý do tôn giáo, bao gồm người theo đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Jain, đạo Parsis và đạo Thiên Chúa.
Đạo luật ban đầu được Quốc hội Ấn Độ thông qua vào năm 2019, nhưng chưa thể đi vào hiệu lực vì không có công bố về quy định cụ thể. Nó cũng gây ra làn sóng biểu tình lớn khiến nhiều người chết ở thủ đô New Delhi và các khu vực khác.
Mặc dù được Thủ tướng Narendra Modi nồng nhiệt hoan nghênh, đạo luật quốc tịch sửa đổi vẫn bị các đảng đối lập phản đối nặng nề.
Phe đối lập cho rằng đạo luật này vi hiến và đe dọa đẩy 200 triệu dân theo đạo Hồi của Ấn Độ ra ngoài lề xã hội.
Cũng trong ngày 11-3, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã ca ngợi Thủ tướng Modi vì các quy định mới. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ chưa công bố chi tiết các quy định mới này là gì.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Shah nói ông Modi đã thực hiện một cam kết của mình và "hiện thực hóa lời hứa của những nhà lập pháp đối với những người theo đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Jain, đạo Parsis và đạo Thiên Chúa" sống ở Afghanistan, Bangladesh và Pakistan.
Kể từ khi ông Modi lên nắm quyền gần một thập kỷ trước, các nhà phê bình cho rằng đặc tính thế tục (PV - trung lập về các vấn đề tôn giáo) và dân chủ của Ấn Độ đang sụp đổ với tốc độ đáng báo động.
Ấn Độ đưa ra các quy định mới một tháng sau khi hai nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy ở bang Uttarakhand và Delhi, cách nhau vài ngày. Vụ việc đã dẫn đến đụng độ, buộc chính quyền địa phương áp dụng lệnh giới nghiêm sau đó.
Vào tháng 1 vừa qua, ông Modi đã khánh thành một ngôi đền Hindu rộng lớn trên địa điểm của một nhà thờ Hồi giáo cũ. Nhà thờ Hồi giáo này có từ thế kỷ 16, nhưng đã bị những người đạo Hindu theo đường lối cứng rắn phá hủy hơn 30 năm trước.
Tác giả: NGUYÊN HẠNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ