Thế giới

Ai thực sự phải trả giá cho đòn 'ăn miếng trả miếng' Mỹ - Trung?

Tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Bắc Kinh rốt cuộc sẽ phải nhượng bộ trước những yêu cầu cải cách thương mại của ông.

Hôm 17/9, Tổng thống Trump thông báo sẽ áp gói thuế 200 tỷ USD lên hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã phản ứng bằng cách tăng thuế lên lên lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)

Cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các thị trường tài chính chao đảo, thậm chí có nguy cơ hủy hoại các mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo nếu Bắc Kinh phản đòn, ông sẽ tiến tới giai đoạn 3, áp thuế lên khoảng 267 tỷ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, trong đó có Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Bán lẻ quốc gia cùng nhiều tổ chức khác đã chỉ trích dữ dội cuộc chiến thương mại của ông Trump, cho rằng nó vừa tốn kém vừa phản tác dụng. Hàng trăm doanh nghiệp Mỹ cũng phản đối gay gắt chuyện tăng thuế tại các buổi chất vấn công khai.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã nhận được 6.000 phản hồi kể từ sau khi ông Trump thông báo các kế hoạch thuế quan, hầu hết là phản đối. Ngay cả các nhà kinh tế hàng đầu cũng lo ngại về chủ trương của Tổng thống Trump là tiếp tục đánh thuế theo mỗi lần Trung Quốc đáp trả.

Nhà kinh tế học Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế quốc tế, nhận định với báo Washington Post: "Nếu cứ đà đó, chúng ta sẽ không tránh khỏi một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế với Trung Quốc. Từ đó, chúng ta sẽ thấy sự hạn chế của mọi liên hệ kinh tế".

Một câu hỏi lớn được đặt ra là ai sẽ phải trả cho các đòn trừng phạt thuế của ông Trump?

"Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói không chuẩn rằng 'Trung Quốc sẽ phải trả cho chúng ta hàng tỷ đôla tiền thuế'", báo Washington Post bình luận, và "ông đã chúc mừng Bộ Tài chính thu gom được 'một lượng tiền lớn, điều thật tuyệt cho đất nước chúng ta'".

Washington Post giải thích, thực chất, "thuế là các khoản cước phí mà những người Mỹ nhập hàng từ nước ngoài phải chi trả".

"Ý định muốn giúp những người bị tổn thương bởi toàn cầu hóa thông qua đánh thuế cao hơn hoặc dùng các hình thức bảo hộ khác sẽ làm tăng giá cả và làm gây thiệt cho mọi người tiêu dùng, đặc biệt là các gia đình nghèo và trung lưu", Washington Post dẫn bình luận của chuyên gia kinh tế Satyam Panday thuộc S&P Global Ratings.

Trong một bài phân tích trên trang Business Insider, nhà báo Mary Hanbury mổ sẻ cách thức "thuế quan của ông Trump đang buộc các nhà sản xuất Mỹ phải tăng giá". Bởi, nó khiến các công ty đặt ở Mỹ phải nhập khẩu với giá cao hơn, và chính người tiêu dùng Mỹ phải hứng gánh nặng".

"Kể từ khi mức thuế được áp đặt, một số công ty Mỹ, trong đó có Coca-Cola và Winnebago, thông báo họ buộc phải tăng giá lên người tiêu dùng", Tạp chí Phố Wall đưa tin.

Các mức thuế mới cũng phủ bầu căng thẳng lên lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt sau quyết định 200 tỷ USD của ông Trump. Nhiều nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với lựa chọn: "tự chịu trận " hoặc đẩy mức giá tăng sang người tiêu dùng.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP