Kinh tế

ABAC thành lập nhóm công tác nghiên cứu về công nghệ số

Đây là thông tin mới nhất được đưa ra tại buổi họp báo sau kỳ họp thứ 4 của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC - ABAC vừa diễn ra tối nay (6/11). Buổi họp báo do Chủ tịch ABAC Việt Nam Hoàng Văn Dũng chủ trì cùng các thành viên của ABAC.

Các thành viên ABAC tham gia buổi họp báo sau kỳ họp thứ 4 của ABAC năm 2017 do ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC Việt Nam chủ trì

Cụ thể, đại diện thành viên ABAC cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề số hóa trong bối cảnh phát triển của các nền kinh tế hiện nay, tại kỳ họp lần này, ABAC đã thống nhất thành lập thêm một nhóm công tác nghiên cứu về công nghệ số, và nhóm này sẽ đi vào hoạt động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số phát triển kinh tế từ năm APEC 2018 sẽ diễn ra tại Papua New Guinea.

Phóng viên trong và ngoài nước tham dự buổi họp báo với nhiều câu hỏi quan tâm các khuyến nghị của ABAC với các lãnh đạo APEC trong cuộc đối thoại vào ngày 10/11 tới

Tại buổi họp báo, Chủ tịch ABAC Việt Nam Hoàng Văn Dũng cũng chia sẻ, tại cuộc đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với các thành viên của ABAC vào ngày 10/11 tới, ABAC sẽ tập trung vào các nội dung khuyến nghị đến lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC bao gồm: cải cách thể chế để đẩy mạnh tự do hóa thương mại, hướng tới mục tiêu bogor là hình thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư đến năm 2020, với những hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn làm sao để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng lợi từ mục tiêu này; các giải pháp để khoảng cách giữa các nền kinh tế ảnh hưởng đến những nhóm người dễ bị tổn thương; nêu lên lợi ích của mở cửa đầu tư toàn cầu hóa; tạo điều kiện để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nên kinh tế với các giải pháp như giải pháp tháo gỡ các vấn đề về giới...

Trao đổi thêm với PV Dân trí về các khuyến nghị để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số, doanh nghiệp sáng tạo, kinh tế mạng ở Việt Nam, Chủ tịch ABAC Việt Nam Hoàng Văn Dũng cho rằng: “Chúng ta phải có nhiều việc phải làm, ví dụ như xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, thông suốt, không biên giới, từ nước này sang nước khác đều có thể áp dụng được, và đây là một vấn đề khó đối với Việt Nam. Thứ hai là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin thông suốt, nhanh nhạy, tốc độ cao. Thứ ba là phải có nguồn nhân lực. Tất cả đòi hỏi chính phủ và doanh nghiệp phải bắt tay với nhau để cùng làm, chung tay phát triển doanh nghiệp số ở Việt Nam".

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP