Trong nước

5 trường hợp không đi nghĩa vụ quân sự vẫn được công nhận hoàn thành nghĩa vụ

Theo quy định pháp luật hiện hành, có 5 trường hợp không đi nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Căn cứ Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Dân quân tự vệ 2019) quy định công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

Thứ nhất, dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị.

Thứ tư, thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thứ năm, công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Như vậy, theo quy định thì công dân được gọi nhập ngũ trong độ tuổi từ đủ 18 đến hết 25 tuổi, trường hợp đang được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học thì được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Nếu công dân thuộc 1 trong 5 trường hợp nêu trên thì được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Tác giả: Đồng Xuân Thuận

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP