Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 11-12/11. Sau chuyến thăm thành công tốt đẹp, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ. Dân trí xin giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội ngày 11 – 12 tháng 11 năm 2017. Lãnh đạo hai nước thảo luận về những biện pháp để củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, các lợi ích và mong muốn chung thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những Tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
2. Tổng thống Donald Trump chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Lãnh đạo hai nước tái khẳng định ý định duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao và củng cố các cơ chế đối thoại hiện có, bao gồm đối thoại kênh Đảng. Hai bên nêu bật mối quan hệ kinh tế ngày càng được tăng cường và cùng có lợi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; nhấn mạnh mong muốn chung tạo công ăn việc làm và tạo dựng những điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và buôn bán ở cả hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump duyệt danh dự trong lễ đón chính thức sáng 12/11 |
3. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương thông qua các cơ chế chính thức, bao gồm Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Hai bên hoan nghênh việc mở cửa trở lại thị trường Việt Nam cho mặt hàng bột bã ngô của Hoa Kỳ và mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho trái vú sữa của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cam kết tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp, trong đó có cá da trơn, tôm, xoài; cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và công bằng trong các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử, ô tô và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
4. Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới trị giá hơn 12 tỷ USD nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump; hoan nghênh quan hệ song phương ngày càng được tăng cường trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có những cuộc thảo luận giữa doanh nghiệp hai bên về việc Việt Nam nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ, và những bước đi của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng sản xuất năng lượng mặt trời với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
5. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết chung làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và quyết tâm chung đối phó với các thách thức an ninh khu vực. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton, giúp nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải và thực thi pháp luật của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh kế hoạch về việc một tàu sân bay Hoa Kỳ lần đầu tiên thăm một cảng của Việt Nam trong năm 2018. Hai bên khẳng định Kế hoạch hành động về Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 2018 – 2020 nhằm thực thi Bản ghi nhớ về Tăng cường hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng năm 2015; qua đó thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, các hoạt động gìn giữ hòa bình, và khắc phục hậu quả chiến tranh. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sớm thăm Việt Nam.
6. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai nước sẽ làm sâu sắc hơn và từng bước mở rộng hợp tác an ninh – tình báo; tăng cường trao đổi thông tin và huấn luyện chung trong các vấn đề cùng quan tâm. Hai bên tỏ ý định thắt chặt hợp tác về an ninh mạng thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn và chia sẻ thông tin, nhằm thúc đẩy một không gian mạng mở và an toàn. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự quan tâm về việc phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong bảo đảm an toàn, an ninh hàng không và chống khủng bố.
7. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác để khắc phục các hậu quả chiến tranh. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao đóng góp của Hoa Kỳ đối với việc tẩy độc thành công sân bay Đà Nẵng, và hoan nghênh việc Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc sân bay Biên Hòa. Chủ tịch nước hoan nghênh Hoa Kỳ cung cấp thêm sự hỗ trợ cho người khuyết tật. Tổng thống Donald Trump đánh giá cao Việt Nam tiếp tục hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ trong tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, và cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm tin tức của bộ đội Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ (Ảnh: Military) |
8. Hai nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật, việc đưa trường Đại học Fulbright Việt Nam vào hoạt động, các khoản trợ cấp với tổng trị giá 500.000 USD dành cho cựu sinh viên của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), và việc những tình nguyện viên đầu tiên thuộc Chương trình Hòa bình có mặt tại Việt Nam.
9. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh hai bên trao đổi biên bản thảo luận về ý định dành cho Hoa Kỳ lô đất “D30” tại Hà Nội thuê để xây mới Đại sứ quán Hoa Kỳ, phù hợp với luật pháp mỗi nước. Tổng thống Donald Trump tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ để Việt Nam có được các cơ sở vật chất ngoại giao và lãnh sự tốt hơn tại Hoa Kỳ.
10. Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
11. Lãnh đạo hai nước thảo luận và hoan nghênh các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác và phát triển tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai bên ghi nhận vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại khu vực, và cam kết tôn trọng và hỗ trợ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ ASEAN đóng một vai trò lớn hơn trong ứng phó với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực, bao gồm khủng bố, các tình huống khủng hoảng thiên nhiên và nhân đạo, nạn buôn ma túy và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ – ASEAN trên cơ sở các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Sunnylands 2016. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thiết lập quan hệ Hoa Kỳ – ASEAN, và trông đợi những hoạt động kỷ niệm sắp tới, bao gồm Hội nghị cấp cao Kỷ niệm quan hệ Hoa Kỳ – ASEAN tại Manila, ngày 13 tháng 11 năm 2017.
12. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về các chương trình và vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Hai bên hối thúc tất cả các nước thực hiện đầy đủ và nghiêm túc tất cả những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác song phương để đảm bảo thực thi hiệu quả những nghị quyết này. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.
13. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quyền được tiếp cận tự do và mở khu vực Biển Đông đối với cộng đồng quốc tế, tầm quan trọng của việc duy trì thương mại hợp pháp không bị cản trở, và sự cần thiết phải tôn trọng tự do hàng hải – hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Hai bên tái khẳng định lập trường về Biển Đông được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ và Hoa Kỳ – ASEAN trước đây, bao gồm việc kêu gọi các bên không có những hành động làm leo thang căng thẳng, quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và hạn chế một cách phi pháp các quyền tự do trên biển; tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Lãnh đạo hai nước kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp.
14. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận: Với tư cách một đối tác của Ủy hội Mê Kông (MRC) và một thành viên sáng lập của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI), Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của các nước hạ nguồn sông Mê Kông nhằm quản lý một cách bền vững các nguồn nước và tài nguyên môi trường ở khu vực, phục vụ lợi ích của tất cả các nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận vai trò đi đầu của Hoa Kỳ trong giảm thiểu phát thải khí cac-bon trên toàn cầu và sáng tạo công nghệ năng lượng sạch; cảm ơn Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tác giả: C.N.Q
Nguồn tin: Báo Dân trí