Năm 2018, đề thi THPT quốc gia sẽ có cả kiến thức ở chương trình lớp 11, trong khi năm trước toàn bộ thuộc lớp 12. Không ít học sinh, giáo viên băn khoăn là phải ôn tập kiến thức lớp 11 như thế nào.
Cục phó Quản lý chất lượng Sái Công Hồng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
TS Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, 20% nội dung trong đề thi THPT quốc gia thuộc chương trình lớp 11 và không khoanh vùng nội dung nào sẽ xuất hiện trong đề.
Cấu trúc của đề thi THPT quốc gia năm nay gồm 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao để phân loại học sinh. Các câu hỏi trong đề được phân làm 4 cấp độ dễ, trung bình, khó và rất khó, sắp xếp tuần tự từ trên xuống dưới. Cục phó Hồng khuyên thí sinh học chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để lấy được nhiều điểm nhất trong phần câu hỏi cơ bản, tránh sai sót.
Với định hướng ra đề thi để tác động ngược trở lại việc dạy và học, năm nay đề thi THPT quốc gia sẽ có câu hỏi về thí nghiệm trong bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần là Lý - Hóa - Sinh). Những năm sau, số câu hỏi này sẽ tăng lên, nhằm đẩy mạnh việc học thực hành trong nhà trường.
"Câu hỏi khó ở các môn thành phần của bài Khoa học tự nhiên sẽ đề cập bản chất hiện tượng chứ không phải về tính toán. Đề thi Toán sẽ xuất hiện câu hỏi về lý thuyết Toán học, để học sinh phải học theo cách hiểu bản chất vấn đề, chứ không phải thuộc các bước giải", TS Hồng nói.
Cục Quản lý chất lượng đang thử nghiệm, chọn mẫu các câu hỏi sao cho sát với năng lực học sinh, đảm bảo hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Từ nguồn đề đó, sau khi bị cách ly hoàn toàn, hội đồng sẽ xây dựng các đề thi cụ thể.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, hơn 237.000 em chỉ xét tốt nghiệp THPT, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là hơn 688.000. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 25/6 đến 27/6. Mỗi tỉnh thành sẽ có một cụm thi, do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với các đại học. |
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress