Kinh tế

2 doanh nghiệp thuộc PVN muốn dùng khoản tiền “đóng băng” tại OceanBank

Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đều đang có khoản tiền lớn đóng băng tại Ngân hàng Đại Dương.

Trong báo cáo phục vụ hội nghị tổng kết năm 2017, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đã nêu một loạt khó khăn mà doanh nghiệp này “vấp” phải. Trong đó đáng lưu ý là số tiền 160 tỷ đồng “đóng băng” tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Do vậy, DQS đã kiến nghị PVN hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ, cho phép DN được sử dụng nguồn tiền gửi đang bị bị đóng băng tại OceanBank để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngoài DQS, một doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có khoản tiền đóng băng tại OceanBank đó là Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC).

Trong một loạt kiến nghị đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, PVC đã kiến nghị PVN hỗ trợ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, OceanBank cho phép PVC được sử dụng số dư tài khoản bị đóng băng tại OceanBank để thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đáng lưu ý, cả PVC và DQS đều là hai doanh nghiệp làm ăn còn bết bát của PVN. Theo báo cáo, doanh thu toàn tổ hợp PVC năm 2017 ước thực hiện 3.683,8 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ PVC ước thực hiện 2.148,3 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch điều chỉnh. Về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, toàn tổ hợp ước lỗ 472,5 tỷ đồng. Trong đó công ty mẹ ước lỗ 345,2 tỷ đồng.

Dự kiến sang năm 2018, PVC đặt kế hoạch doanh thu toàn bộ tổ hợp dự kiến 3.800 tỷ đồng, trong đó dự kiến công ty mẹ là 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn tổ hợp dự kiến lỗ 84 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ dự kiến lỗ 38 tỷ đồng.

Trong khi đó, không lỗ như PVC nhưng DQS báo lãi… 10 triệu đồng trong năm 2017, doanh thu hợp nhất là 474,37 tỷ đồng. Một trong những khó khăn lớn mà DQS gặp phải đó là thông tin về phương án phá sản đã làm một số chủ đầu tư huỷ bỏ cam kết, dừng đàm phán nhằm tránh rủi ro. Trong khi đó, số tiền để thi công các dự án lại bị đóng băng tại OceanBank.

Liên quan tới câu chuyện giữa PVN và OceanBank, mới đây một loạt cựu lãnh đạo PVN đã bị khởi tố vì liên quan tới việc góp vốn vào OceanBank. Quyết định buộc tất cả các công ty mẹ - con, cháu - chắt của PVN phải gửi tiền và dùng dịch vụ của OceanBank cũng đã được xác định gây ra nhiều thiệt hại.

Theo cáo trạng, bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVN, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức - thành viên HĐQT/Hội đồng thành viên PVN, Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc PVN, Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN trong giai đoạn 2008-2011 đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị can đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các cổ đông liên quan.

Trước đó, tại phiên xét xử đại án OceanBank hồi tháng 9/2017, một loạt lãnh đạo các công ty thuộc PVN như Vietsovpetro, Hoá dầu Bình Sơn cũng đã bị triệu tập đến toà để làm rõ hành vi nhận chi lãi ngoài.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP