Xa rồi cái đói
Một ngày cuối đông ở xã biên giới rẻo cao Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), ngọn gió đông lướt qua những cánh rừng, lách qua những dãy núi đá vôi trùng điệp táp vào người gây cảm giác tê buốt. Từ đường mòn Hồ Chí Minh qua đèo Đá Đẽo rẽ hướng tây chừng 7km, qua hai con dốc cao chót vót, chúng tôi đã thấy những ngôi nhà của đồng bào Rục xuất hiện thấp thoáng im lìm trong màn sương núi.
Để chống lại cái rét, nhiều hộ người Rục luôn quây quần bên bếp lửa. |
Trung úy Đinh Xuân Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) dẫn chúng tôi đi vào các bản làng người Rục. Gần cuối năm, nhưng đồng bào vẫn đang đi rẫy trồng ngô. Rẫy ngô của dân thường làm tập trung, cách nhà ở rất xa, có nơi đến 3 - 4km.
“Tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút. Năm 1959, một tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) tình cờ phát hiện ra. Đến năm 1960, chính sách đưa người Rục rời hang đá ra định cư đã được tiến hành. Ban đầu, bộ đội biên phòng và các đoàn thể địa phương thuyết phục được 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên rời hang đá về thung lũng Rục Làn (xã Thượng Hóa) dựng lều, bắt đầu làm quen với cuộc sống canh tác nông nghiệp như làm rẫy, trồng lúa, trồng ngô…”, Trung úy Viên kể.
Hiện nay, ở xã Thượng Hóa, tộc người Rục định cư ở 3 bản gồm: Bản Ón, bản Yên Hợp, bản Mò O Ồ Ồ nằm tách biệt với bên ngoài, và hơn chục hộ sống ở bản Phú Minh nằm dưới chân đèo Đá Đẽo thuộc đường mòn Hồ Chí Minh với hơn 200 hộ.
Dân bản không còn săn bắt hái lượm mà chuyển sang trồng lúa nước, nuôi trâu bò, lợn gà và trồng rừng nguyên liệu để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đời sống của dân bản đang còn nhiều khó khăn. Để có thêm nguồn lương thực, người Rục thường vào rừng tìm kiếm mật ong, nấm, lá dong, măng… để đổi lấy lương thực. Nếu không có nguồn trợ cấp từ Nhà nước thì người Rục rất khó đảm bảo đảm bảo nhu cầu lương thực trong năm. Ngoài lương thực, người dân còn trồng thêm rau xanh, nuôi gia cầm để tự cung tự cấp.
Con đường vào các bản tộc người Rục ở xã Thượng Hóa đã được bê tông hóa. |
Ông Cao Thanh Huy, Trưởng bản Yên Hợp cho biết: “Thời điểm này, người dân đang trồng ngô trên rẫy. Ngô sau khi thu hoạch được cất giữ để xay thành bột nấu ăn. Món ngô xay được nấu quyện gọi là bồi. Vì bồi ngô thường cứng, nên người dân phải trồng thêm sắn, để khi nấu bồi thì giã sắn quết vào nấu cho mềm, dễ ăn hơn. Nhờ có gạo hỗ trợ của Nhà nước, nên dân bản không còn lo đói ăn đứt bữa như trước”.
Những cái Tết ấm no
Người Rục cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán như người Nguồn (người Nguồn là tên gọi cộng đồng các tộc người ở huyện Minh Hóa - PV). Tết đến, nhà nào cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa, nấu bánh chưng, bánh tét. Tuy nhiên, người Rục không thờ cúng tổ tiên, chỉ làm thủ tục trên bàn thờ để cúng ma nhà. Bởi theo tục lệ, sau khi một người Rục chết, người thân chỉ thờ cúng 7 ngày rồi từ đó về sau không thờ cúng nữa. Linh hồn người chết trở thành ma rú, ma rừng, nên họ chỉ thờ chung ma rừng (cúng ngoài rừng) và ma nhà.
Anh Cao Văn Bằng ở bản Yên Hợp: “Ngày trước, Tết không có lợn để làm thịt đâu, giờ thì Tết về, người dân bắt gà, bắt lợn làm thịt. Họ làm thịt để dùng và bán cho nhà khác. Tiếng lợn kêu rộn cả bản. Đi chợ phải ra xã Trung Hóa, cách 8km, nên nhiều người dưới xuôi luôn chở hàng hóa vào bản bán cho dân”.
Một thứ không thể thiếu với cuộc sống thường ngày cũng như Tết của người Rục là rượu đoác. Rượu đoác là rượu được lấy từ thân cây đoác. Để có rượu, người dân phải đi vào rừng tìm cây đoác có thân lớn, rồi phát dọn sạch quanh cây. Sau đó lấy dao sắc cắt một đường ngang ở ngọn cây, để như thế một tuần, sau đó dùng ống tre lồ ô chọc vào vết cắt cho rượu chảy từ vết cắt ra. Người dân phải che kín phía trên vết cắt để mưa và sương không rơi vào làm giảm độ nồng của rượu.
“Một ngọn cây đoác lớn 4 - 5 năm tuổi thì thời gian cho rượu được gần 4 tháng mới hết. Cứ sau mỗi ngày, người dân phải cắt ngọn cây một phân để cây cho rượu mới. Rượu đoác được lấy hoàn toàn từ tự nhiên, có vị thơm, ngọt đặc trưng không giống rượu của người miền xuôi.
Theo ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa: “196 hộ dân người Rục ở 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ khá cách xa với bên ngoài, nhưng được sự quan tâm của chính quyền cấp trên và Đồn Biên phòng Cà Xèng nên cuộc sống của người dân đang từng bước cải thiện. Ngoài trồng lúa nước ở cánh đồng Rục Làn để tự túc lương thực, canh tác rẫy, từng hộ dân đã được giao đất rừng sản xuất để trồng gỗ nguyên liệu. Trong đời sống văn hóa, người dân đã bỏ những hủ tục lạc hậu nhưng vẫn giữ được những cái riêng vốn có, những văn hóa đặc trưng của họ”.
Với niềm tin và sự đồng thuận, cùng chung tay của các cấp, các ngành, tin rằng người Rục sẽ được đón những mùa xuân ấm áp nơi biên cương.
Tác giả: Thanh Hà – Hà Vy
Nguồn tin: Infonet