Pháp luật

Xử vụ đánh bạc ngàn tỉ: Hai cựu tướng công an xin lỗi

Tự bào chữa, 2 cựu tướng công an đã xin lỗi nhân dân và thấy hối hận những việc mình đã gây ra.

Ngày 23-11, phiên tòa xét xử cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, cùng 91 bị cáo khác tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng.

Xin mức án nhẹ

Tự bào chữa, ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) nhận xét hình phạt VKS đề nghị từ 7 năm đến 8 năm tù là quá nặng. "Mấy đêm nay tôi mất ngủ và suy nghĩ nhiều về hành vi sai phạm của mình. Tôi có ăn năn, hối hận ngàn lần đi nữa cũng là muộn rồi" - ông Hóa nói.

Theo ông Hóa, ông được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. "Tôi không am hiểu gì về công nghệ nhưng cũng cố gắng hết mình. Tôi mong muốn xây dựng lực lượng hùng mạnh có thể đương đầu với bất cứ loại tội phạm nào" - ông Hóa giãi bày.

Ông Hóa tiếp tục gửi lời xin lỗi tới Bộ Công an vì đã làm "ảnh hưởng đến uy tín của ngành". Với tham vọng của mình, ông Hóa cho rằng tạo hóa cho ông bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người.

Cựu cục trưởng C50 khẳng định những sai phạm của mình trong vụ án liên quan đến việc công ty bình phong vận hành game cờ bạc Rikvip mà VKS đã truy tố, luận tội là đúng. Qua đó, bị cáo Hóa mong muốn tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho cơ hội cuối cùng để những năm tháng còn lại "lo hương khói cho tổ tiên và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con".

Sau khi nghe bản luận tội của VKSND tỉnh Phú Thọ, được tự bào chữa, bị cáo Phan Văn Vĩnh nói đã nhận ra lỗi lầm của mình. "Tôi đã làm trái công vụ, thực hiện quyền hạn khi lãnh đạo Bộ Công an chưa cho phép, từ đó gây ra các tội khác. Từ việc làm sai trái của tôi dẫn đến việc Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương thực hiện hành vi gây hậu quả hết sức nghiêm trọng" - bị cáo Vĩnh thừa nhận.

Cuối cùng, bị cáo Vĩnh xin nhận khuyết điểm nghiêm trọng của mình trước nhân dân. Ngoài ra, ông Vĩnh cũng mong HĐXX xem xét cho mình được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để giảm hình phạt đến mức thấp nhất.

Đối đáp lại các quan điểm của các luật sư 2 bị cáo này, theo VKS, 2 bị cáo cho Dương thuê trụ sở số 10 Hồ Giám của Tổng cục Cảnh sát với tư cách công ty bình phong dù chưa có quyết định công nhận. Khi cán bộ cấp dưới phát hiện, Vĩnh và Hóa ngăn cản, không cho điều tra, xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa

Biết sai vẫn cố ý làm

VKS nhận xét giữa năm 2016, C50 trình văn bản đề xuất cho CNC thí điểm tổ chức đánh bạc theo hình thức đổi thưởng. Bản chất đổi thưởng đánh bạc là sát phạt nhưng ông Vĩnh vẫn đồng ý với đề xuất và giao C50 và CNC triển khai. Hóa yêu cầu cấp dưới soạn thảo văn bản theo ý kiến của mình, báo cáo tổng cục trưởng sai sự thật và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an rằng 2 game bài đã được cấp phép. "Trong quá trình triển khai, Dương từng hỏi việc này có sai không, bị cáo Hóa nói mình làm thế này để chống tội phạm, không sai. Qua đó thấy người có trách nhiệm đấu tranh tội phạm lại nói việc vận hành game bài là không sai; mà pháp luật đã quy định không được chơi bạc, ai vi phạm phải chịu xử lý" - đại diện VKS lập luận.

VKS nhận định bị cáo Hóa phải biết thế nào là tội phạm nhưng thực hiện một cách tích cực, sau đó còn tìm cách ngăn cản đơn vị chức năng xử lý. Còn bị cáo Vĩnh nếu không đồng ý với cấp dưới có thể giao các cục nghiệp vụ khác xác minh. Ngoài ra, VKS còn cho rằng việc C50 nhận 700 triệu đồng tiền Tết là động cơ vụ lợi cho tập thể. Còn việc cá nhân có dấu hiệu hối lộ sẽ làm rõ ở giai đoạn 2, sau khi xác định có dấu hiệu nhận hối lộ liên quan đến biên bản hợp tác hưởng 20% lợi nhuận CNC.

Tác giả: NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP