Hàng trăm năm qua, kể từ khi hình thành vùng đất Lệ Thủy và Quảng Ninh, nơi đây được coi là "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10-2020 đã nhấn chìm vùng đồng bằng châu thổ nhỏ hẹp, dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ này với mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Theo thống kê, trong trận lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, toàn huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh có trên 50.000 nhà dân bị ngập sâu, hàng chục thôn, bản bị cô lập, gây chia cắt cục bộ.
Để "chẩn bệnh" ngập lụt ở 2 huyện phía Nam tỉnh Quảng Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trường Đại học Thủy lợi phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đề tài nghiên cứu, tìm giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh. Mới đây, UBND huyện Lệ Thủy đã phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi và các sở, ngành liên quan tổ chức hội thảo để tìm các giải pháp thoát lũ cho 2 huyện nói trên.
Trận lũ tháng 10-2021 khiến nhiều tuyến phố, nhà dân ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy bị ngập |
PGS-TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, đã đề xuất 4 nhóm giải pháp chính để lựa chọn.
Thứ nhất là nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa sông Nhật Lệ. Thứ hai là cải tạo hành lang thoát lũ. Thứ ba là mở cửa thoát lũ mới ra biển (gồm các phương án: kênh dẫn kết hợp các hồ chứa tại huyện Lệ Thủy, kênh dẫn ra biển, ranh giới Lệ Thủy - Quảng Ninh, kênh dẫn ra biển Bảo Ninh) và nhóm cuối là xây dựng hệ thống hồ trữ lũ.
Các chuyên gia cũng đã thảo luận, phân tích tính phù hợp, khả thi của từng nhóm giải pháp và phần lớn ý kiến đồng ý với giải pháp nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ có tính đến kết hợp với thực hiện các phương án khác, như nâng cấp hệ thống đê kè hai bên bờ sông Long Đại, Mỹ Trung.
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, cho biết việc nghiên cứu để tìm được phương án thoát lũ lớn cho hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh là hết sức cần thiết. Mong muốn của địa phương là cùng với việc tìm ra được phương án thoát lũ tối ưu, mang tính bền vững song phải tính toán khoa học để kết hợp được giải pháp thoát lũ với việc mở ra cơ hội, khai phá tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị của vùng đồng bằng phía Nam tỉnh Quảng Bình.
Trận lũ tháng 10-2021 khiến nhiều tuyến phố, nhà dân ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy bị ngập |
Trong khi đó, theo một chuyên gia ngành thủy lợi có nhiều năm công tác tại vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh, nguyên nhân chính của lũ lớn xảy ra tại Lệ Thủy, Quảng Ninh là mưa lớn gây lượng nước khổng lồ của hai sông Kiến Giang và Long Đại đổ về cửa sông Nhật Lệ, đổ ra biển. Gặp lúc triều cường mạnh, nguồn nước từ sông Long Đại không thoát ra cửa Nhật Lệ mà quay ngược dòng đẩy lũ uy hiếp vùng Lệ Thủy. Vì vậy, giải pháp mở cửa thoát lũ mới có nhiệm vụ đẩy dòng lũ ra biển nên cần được tính đến vì giải pháp này mang tính căn cơ nhất, có tính bền vững, lâu dài. Dự án này khi triển khai sẽ tiết kiệm cho ngân sách bằng hình thức xã hội hóa.
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Người Lao động