Tin địa phương

Mưa lớn gây ngập lụt chia cắt nhiều thôn, bản ở Quảng Bình

Mưa lớn trong 2 ngày qua ở Quảng Bình đã khiến nước lũ từ thượng nguồn đỗ về, gây ngập lụt nhiều tuyến đường làm một số thôn, bản bị chia cắt.

Ngày 17-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng 2 ngày qua khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt, gây ngập lụt tại một số thôn, bản ở địa phương này.

Các điểm ngầm tràn trên địa bàn huyện Bố Trạch đều đã cảnh báo và có lực lượng chốt chặn người và phương tiện qua lại

Tại huyện Minh Hoá, các ngầm Hà Nông, Cu Pi, Tô Cô ở xã Trọng Hóa nước đang dâng và chảy xiết khiến các tuyến đường vào 7 bản thuộc địa phương này bị chia cắt. Các ngầm Ka Ai (Dân Hóa) nước ngập khoảng 0,8 - 1,0m, ngầm tràn Tân Lý (Minh Hóa) cũng bị ngập, người và phương tiện không lưu thông được. Tại xã Tân Hóa, cầu tràn bến Seeng bị ngập, chia cắt thôn 4 và thôn 5 Yên Thọ.

Tại huyện Tuyên Hoá, cầu Sủng Mè ở thôn Thuận Hoan và cầu Đồng Khe ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa bị ngập từ 0,2 - 0,4m. Hiện người dân 2 thôn này đã chủ động được lương thực, thực phẩm do trước đó xã đã có phương án hướng dẫn dự trữ.

Mưa lớn nước lũ tiến sát nhà dân

Tại huyện Bố Trạch, ngầm Cầu Bùng ở xã Hưng Trạch ngập 1,2m; các ngầm tràn: Bến Troóc, Đồng Phường, đập Cây Trung, đường anh Trỗi ở xã Phúc Trạch ngập sâu, người và phương tiện không qua lại được. Hiện địa phương và các đơn vị chức năng đã tổ chức chốt chặn, cảnh báo người dân không qua lại tại các điểm ngập lụt này.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường qua lại tại ngầm Bùng (Km 562+200) Quốc lộ 15, nước ngập từ 1,2 - 1,6m; Quốc lộ 9B tắc đường tại các ngầm tràn ở vị trí Km 41+900, Km 43+700, mực nước ngập khoảng 30 - 40cm. Hiện các đơn vị đang dựng tạm barie và bố trí người trực phân luồng, bảo đảm không cho người dân qua lại.

Một số làng mạc ven sông Gianh ở huyện Quảng Trạch, nước đã tràn vào nhà dân

Trên tuyến tỉnh lộ 559B nước ngập từ 0,3 - 0,6m và gây tắc đường từ Km 13+200 đến Km 14+600; đoạn Km 6+00 đến Km 6+500 nước ngập từ 0,5 - 2,3m do nước dâng từ đập thủy lợi Rào Nan.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 18.000 hộ với gần 66.000 người cần di dời xen ghép và tập trung; có 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã với tổng số 501 hộ/1.903 khẩu cần di dời khẩn cấp để tránh sạt lở đất.

Đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm sạt lở tại nhiều tuyến kênh mương trên địa bàn tỉnh. Riêng tuyến đường liên xã tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa bị sạt lở 4 đoạn, khối lượng khoảng 50m3, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại Km 90 (Đồn Biên phòng Làng Mô) có 1 điểm sạt lở dài khoảng 20m.

Tất cả tàu thuyền của ngư dân đã di chuyển vào vùng tránh trú, neo đậu an toàn

Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình hiện 6.697/6.697 tàu thuyền trong toàn tỉnh đã được các lực lượng đơn vị này và các địa phương kêu gọi, di chuyển vào khu vực neo đậu an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trực ban 24/24, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có tình huống.

Chính quyền các xã trên địa bàn huyện Minh Hóa cắm biển nghiêm cấm người dân qua lại tại những nơi ngập sâu

Chỉ đạo các chủ hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện vận hành đảm bảo an toàn vùng hạ du, an toàn hồ đập, ưu tiên trên hết là an toàn tính mạng người dân; triển khai lực lượng ứng trực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập chứa nước, nhất là các tuyến đê, kè, hồ chứa nước đang thi công, xung yếu, hồ chứa nhỏ đã đầy nước.

Sẵn sàng các địa điểm, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tránh trú đồng thời đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để người dân từ các tỉnh phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh Quảng Bình tạm tránh trú trong thời gian mưa lũ gây chia cắt, gián đoạn giao thông…

Các đơn vị cử lực lượng chốt chặn tại các ngầm tràn, đoạn đường hiểm yếu, di dời người dân vùng nguy hiểm, sạt lở đến nơi an toàn và hướng dẫn các địa phương chủ động ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ với phương châm "4 tại chỗ".

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP