Nhân ái

Xót xa cậu bé mất một chân vì điện giật, chân còn lại nguy cơ bị cắt nốt

Dù rất đau đớn khi đã mất đi một chân vì bỏng nặng do điện giật, cậu bé vẫn có nguy cơ phải cắt nốt chân còn lại.

Nguy kịch vì bị điện giật

Em Chu Bá Phi, 14 tuổi ở thôn Yên Lã 1, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là con trai đầu của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa và anh Chu Bá Phương. Những ngày này, em đang oằn mình trên giường bệnh chống chọi những cơn đau từ vết thương hằn trên cơ thể vì bị bỏng điện cao thế.

Khắp cơ thể em đầy tổn thương, một chân đã bị cắt và chân còn lại cũng đang được bó kín bởi lớp băng trắng xóa. Những lúc lên cơn đau dữ dội, Phi lại bấu chặt vào cạnh giường, khuôn mặt nhăn nhó, đôi mắt lại ngân ngấn lệ.

Trải qua hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra sự việc đau lòng nhưng với chị Hoa là quãng thời gian dài sống trong sợ hãi, lo lắng chứng kiến đứa con trai phải chịu nhiều đau đớn.

Bé Phi đã trải qua 5 lần phẫu thuật, cắt mất bên chân phải và chân trái nguy cơ cắt tiếp do bỏng điện cao thế. Ảnh BSCC

Chị Hoa cho biết: “Hôm đó, em đang đi làm thì nhận được điện thoại của mọi người bảo con bị điện giật phải đi cấp cứu. Về nghe mọi người kể là cháu sau khi học bài xong có mang theo lồng chim ra khu đất mới chơi. Cháu treo lồng chim lên trên cây không để ý có điện cao thế nên đã bị điện phóng ngã bật ra. Quần áo của cháu bị rách hết, chân không nhấc lên được. May có hai người làm rau gần đấy phát hiện hô mọi người cứu rồi đưa cháu vào bệnh viện Từ Sơn cấp cứu. Nhận thấy tình trạng của em quá nặng, các bác sỹ cho cháu chuyển thẳng lên Viện Bỏng Quốc gia”.

Tại đây, bác sỹ chẩn đoán Phi bị bỏng điện cao thế 40% độ 5. Nằm hồi sức tích cực gần một tháng, Phi mới qua được giai đoạn nguy kịch và được chuyển lên Khoa Nhi điều trị. Mong muốn duy nhất giữ được cho con đôi chân của anh chị đã không thể khi Phi đã bị cắt cụt một chân phải, chân trái cắt mất 2 ngón.

Các bác sỹ cho biết, tình trạng của Phi vẫn còn rất nặng. Bỏng điện thường gây tác hại nặng nề và khó điều trị nhất trong các loại bỏng, có trường hợp đều bị đốt cháy toàn bộ gân cơ, thậm chí cháy cả xương ở những nơi điện đi qua. Những ca bỏng điện như này khả năng sống sót rất thấp, may mắn là Phi đã giữ được tính mạng. Vậy nhưng gia cảnh của bệnh nhân lại rất khó khăn trong khi điều trị cần nhiều chi phí tốn kém và điều trị lâu dài. Phi đã phẫu thuật 5 lần nhưng sẽ còn phải trải qua những lần phẫu thuật đau đớn tiếp theo.

Mong con sớm bình phục và có được chân giả

Mặc dù Phi có bảo hiểm y tế nhưng theo các bác sỹ, việc điều trị cần có các loại thuốc tốt không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Ngày Phi gặp nạn, trong nhà không có tiền, may mắn được mọi người giúp đỡ mỗi người vài trăm, vợ chồng chị Hoa mới có tiền đi lại, đưa con đến viện. Toàn bộ kinh phí chạy chữa cho con đến giờ, vợ chồng chị Hoa đều phải đi vay mượn khắp nơi.

Mỗi lần nghe bác sỹ nói về tình hình của con trở nặng, chị Hoa lại vừa đau xót vì thương con, vừa lo lắng vì không biết lấy tiền đâu để chi phí trong thời gian dài con nằm viện điều trị.

Hoàn cảnh gia đình anh chị Hoa thuộc diện khó khăn. Nhà đông người, quanh năm vợ chồng chị đi phu hồ. Ngày nào có việc đi làm thì mới có công nên thu nhập bấp bênh, cũng chỉ đủ lo chi tiêu, học hành của các con mà không để dư được đồng nào. Ngoài Phi, vợ chồng chị Hoa còn có một cô con gái nhỏ và chăm sóc bố mẹ già đã 85 tuổi.

Hoàn cảnh của bé Phi đang rất cần sự trợ giúp của mọi người

Suốt hơn tháng qua, Phi đã trải qua nhiều đau đớn nhưng cậu bé rất kiên cường. Em đau lắm nhưng vẫn động viên mẹ. Thấy mẹ cả ngày khóc sưng mắt, em khuyên: "Mẹ ơi, mẹ đừng khóc. Nhìn thấy mẹ khóc con lại khóc theo. Con đau con cố”.

Phi nói để động viên mẹ thế thôi nhưng chập chờn trong giấc ngủ hay khi mê man trong cơn đau, em vẫn giật mình thảng thốt. Nghe em hỏi “Mẹ ơi chân con đâu rồi?” mà chị Hoa chỉ biết vội quay đi lau nhanh nước mắt để con không nhìn thấy. Việc con bị cưa chân ập đến quá nhanh nên giờ chị vẫn chưa tin đó là sự thật.

Bản thân chị Hoa mắc căn bệnh tiền đình, sức khỏe không tốt. Các bác sỹ khuyên nên về nghỉ ngơi, nhờ người khác thay chăm sóc nhưng về nhà chị không an tâm. Những ngày ở viện, để tiết kiệm chi phí, chị Hoa chẳng dám tiêu pha. Trưa, tối, hai mẹ con chỉ một suất cơm. Mẹ đút cho con ăn trước, phần còn dư thì mẹ ăn.

Chị nghẹn ngào: "Con tôi mới 14 tuổi mà phải cắt bỏ chân thì sau này tương lai sẽ ra sao?. Cháu lúc nào cũng nói chỉ ước chóng lành bệnh để về phụ giúp mẹ làm việc, chăm em, để bố mẹ an tâm đi làm thuê mà tôi đau lòng lắm. Tôi chỉ mong sao có điều kiện để theo chữa chạy cho con được khỏi rồi sau này cố gắng lo cho con có chân giả để đi lại được bình thường”.

Mọi sự giúp đỡ em Chu Bá Phi - Mã số 422 xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Yên Lã 1, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tác giả: Phương Thuận

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP