Trong 3 chị em, chỉ mỗi mình bà Nguyễn Thị Toan tỉnh táo, còn chị gái thì tật nguyền, em gái lại điên dại. Ảnh: Thanh Phúc |
Lọt thỏm giữa xóm 12 (Trù Sơn, Đô Lương), tổ ấm của 3 chị em là một căn nhà hai gian lụp xụp. Trong nhà, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường đôi ọp ẹp, những chiếc bát sứt mẻ, sờn mòn; chiếc ấm nhôm méo xệch, vòi bẻ cong.
Thấy người lạ vào nhà, bà Nguyễn Thị Lan lao ra thềm, cầm chổi rành xua đuổi, la hét. Nghe tiếng em, bà Nguyễn Thị Toan bỏ vội mớ rau nhặt dở tập tễnh chạy ra. Với giọng nói đứt quãng, không rõ ràng, bà phân bua: “Nó (bà chỉ bà Lan) mắc chứng tâm thần, thấy người lạ vào là tưởng bị bắt đi nên thường phản ứng rứa”.
Căn nhà của 3 chị em ở xóm 12, Trù Sơn. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Sau khi biết mục đích của chuyến thăm, bà Nguyễn Thị Toan vội gọi người hàng xóm sang tiếp chuyện. Anh Lê Xuân Thảo, sát nhà bà ái ngại: “Các o coi, nhà 3 chị em, xêm xêm tuổi nhau. Các o có chi cứ trao đổi với chị Nguyễn Thị Toan rồi bầy tui nói thêm...”.
Cha các bà là ông Nguyễn Văn Uyển, người Thái Sơn (Đô Lương) đến Trù Sơn làm thuê kiếm sống. Còn mẹ là Đặng Thị Bình, người miền trong ra đây mưu sinh. Hai người cùng cảnh đói rách, làm thuê, làm mướn gặp nhau, nên duyên vợ chồng và định cư luôn ở Trù Sơn. Những đứa con lần lượt ra đời nhưng chỉ có người con trai đầu bình thường, lành lặn, còn 3 cô con gái ốm yếu, tật nguyền.
Đáng thương nhất là bà Nguyễn Thị Lan, sinh ra đã bị chứng tâm thần phân liệt, không được tỉnh táo, bình thường. Gánh nặng mưu sinh và thường xuyên lao lực nên về già, ông Uyển ốm đau luôn, không thể lao động kiếm sống đành lê lết đi nơi này, chốn nọ xin ăn. Bà Bình mắt bị lòa, đành ngồi một chỗ, dựa vào những gì chồng xin được sống qua ngày.
Rồi ông bà mất, người con trai cả lập gia đình, nhà đông con, nghèo khó nên chẳng đỡ đần gì được cho các em. Ba chị em ốm yếu, tật nguyền, điên dại dựa vào nhau, lần hồi rau cháo qua ngày đoạn tháng.
Bà Nguyễn Thị Toan dù sức khỏe yếu, một chân bị tê liệt nhưng vẫn phải cáng đáng chuyện chăm sóc em gái. Ảnh: Thanh Quỳnh |
“Hồi tê tui còn khỏe, còn đi mò cua, bắt ốc, nhặt ve chai bán lấy tiền nuôi chị, nuôi em. Trong 3 chị em, chỉ mỗi tôi biết mặt tiền, biết mua bán, biết cơm nước, giặt giũ. Nhưng cách đây mấy năm, sau lần ngã, gãy xương, chân thành tật, người yếu hẳn, chẳng làm được việc gì. Tiền trợ cấp hàng tháng cũng phải nhờ hàng xóm nhận hộ. Giờ đây, miếng ăn hàng ngày phải dựa vào ả Liên (người chị cả) hành khất từng bữa ở chợ Ú, chợ Trù. Nhiều bữa chị em phải ăn cơm hẩm với muối trắng”, bà Toan nói, giọng nghẹn ngào, mắt rơm rớm.
Hàng ngày, bà Liên tay bị, tay gậy đi từ 4-5h sáng, trở về khi đã quá chiều. Bà đi ăn xin, đi bới rác nhặt nhạnh vỏ bia, chai nhựa, túi ni lon gom về cho em gái bán. Hình ảnh người đàn bà nhỏ thó, tật nguyền, ngày ngày dầm mưa dãi nắng mưu sinh ở bãi rác nơi góc chợ đã quá quen thuộc với người dân chợ Ú, chợ Trù. Những khớp chân vì đi nhiều nay cũng nổi sần thành từng u cục, khi trở trời, cơn đau nhức lại hành hạ bà đến co rút. Thế nhưng, để không đứt bữa, ngày ngày bà vẫn phải lần hồi xin ăn…
Điều bà Nguyễn Thị Toan lo lắng nhất là đến một lúc nào đó, mình nằm xuống thì lấy ai lo cho chị, cho em? Ảnh: Thanh Phúc |
Còn bà Nguyễn Thị Toan ở nhà có nhiệm vụ canh chừng cô em gái út. Bởi bà Lan tính tình thất thường, thấy người lạ là đuổi đánh, không biết đường trú mưa, tránh nắng nên hay ốm đau. Những hôm trở trời, bà Lan lên cơn, đập phá đồ đạc trong nhà, đánh đuổi các chị…
Ông Nguyễn Công Hà, Bí thư Đảng ủy xã Trù Sơn cho biết: “Gia đình 3 chị em ở xóm 12 thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Ngoài nguồn trợ cấp, người dân trong xóm, xã cũng dành mọi ưu tiên, giúp đỡ; vận động các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ thêm. Giờ, ngôi nhà của họ đã dột nát, mục ải đi nhiều, xã đang kêu gọi và tìm nguồn để tu sửa lại để 3 chị em an toàn trong mùa mưa bão đang cận kề”. |
Tác giả: T.Phúc - T.Quỳnh - N.Đạo
Nguồn tin: Báo Nghệ An