Kinh tế

Xóa bỏ rào cản "khuyết tật" trong công việc

Số lượng người khuyết tật ở Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn so với khu vực và thế giới. Đa số người khuyết tật có nguồn vốn sinh kế kém, cơ hội đi học và khả năng học ở các cấp học cao hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật cần nhận được ưu tiên của toàn xã hội.

Việc làm là yếu tố quyết định, giúp đời sống của người khuyết tật được nâng cao


Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, khoảng 60% trong đó vẫn có sức khỏe và mong muốn tìm việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng. Những năm gần đây, việc dạy nghề, đào tạo việc làm cho người khuyết tật đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ. Tuy nhiên, phần lớn người khuyết tật Việt Nam khó tiếp cận các chính sách an sinh xã hội nói chung và các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, báo cáo “An sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội tiến hành nghiên cứu, khảo sát chỉ ra rằng, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người khuyết tật khá thấp, chỉ đạt 44,7% so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi là 72,03%.

Việc làm của người khuyết tật không bền vững và dễ bị tổn thương, với tỷ lệ làm công hưởng lương chiếm 14,28%, chỉ bằng 1/2 so với nhóm không khuyết tật. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động khuyết tật trong khu vực Nhà nước rất thấp, chỉ chiếm 4,7%. Trong khi đó, tại khu vực phi chính thức có tới 89,1% lao động khuyết tật làm việc tại hộ kinh doanh cá thể và 3,4% trong khu vực tư nhân... Đồng thời, người khuyết tật ở Việt Nam có nguồn vốn sinh kế kém, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật bằng việc hỗ trợ, giải quyết việc làm là một trong những mục tiêu quan trọng, cần sự chung tay của toàn xã hội. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội, để giải quyết những rào cản đối với người khuyết tật khi tham gia thị trường lao động và hòa nhập cộng đồng cần có hướng giải quyết mới như đổi mới quan điểm tiếp cận, mở rộng chính sách phát triển hệ thống an sinh xã hội phi chính thức. Điều này có vai trò quan trọng trong việc phát triển vốn sinh kế, hoạt động sinh kế và kết quả sinh kế của người khuyết tật.

Cùng với đó, việc bảo đảm an sinh xã hội cho lao động khuyết tật không chỉ tập trung vào đáp ứng nhu cầu thực tiễn như ăn, ở, mặc, đi lại, y tế và chăm sóc sức khỏe mà còn hướng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm, thu nhập cho lao động khuyết tật, bảo đảm quyền và hướng tới hòa nhập xã hội.

Theo bà Phan Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người khuyết tật Hà Nội, việc bị từ chối các cơ hội việc làm công bằng chính là nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói và phụ thuộc vào gia đình, xã hội của người khuyết tật. Do vậy, để xóa bỏ những rào cản, giúp người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động nuôi sống bản thân, có cơ hội cống hiến cho xã hội. Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên hơn nữa đối với các trung tâm, cơ sở dạy và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tác giả bài viết: An Nhiên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP