Giáo dục

Xin học trái tuyến mà chỉ cầm mỗi hồ sơ đến thì đời nào được đồng ý!

Những năm đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 là khoảng thời gian mà các bậc cha mẹ vô cùng tủi cực, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để nhờ vả tìm trường cho con.

LTS: Chạy trường công, học trái tuyến đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Không ít cha mẹ cho biết sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để lo cho con vào trường hàng đầu, thuận tiện việc cha mẹ đưa đón.

Hôm nay, trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao nhìn nhận ở một góc độ khác khiến phụ huynh phải “chạy” đôn đáo, nhờ vả người này người kia để xin học cho con trong thời gian qua.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.


Khái niệm “chạy" trường dần trở nên quen thuộc đối với các bậc phụ huynh đặc biệt ở khu vực thành phố.

Có người muốn “chạy” cho con em mình vào các trường điểm, trường có thương hiệu nhưng cũng có rất nhiều người “cực chẳng đã” nên cũng đành phải “chạy” theo.

Ngày 2/6/2016, Bộ GD&ĐT ra văn bản nghiêm cấm chuyện "chạy" trường, chạy lớp, học trái tuyến, tiếp đó là các Sở GD&ĐT cùng đồng thanh siết chặt việc tuyển học sinh trái tuyến ở các cấp học.

Sự việc này được nhiều phụ huynh, dư luận đồng thuận nhưng cũng không ít bậc phụ huynh phải dở khóc, dở cười.

Chaytruong
Xin học trái tuyến mà chỉ cầm mỗi hồ sơ đến thì đời nào được đồng ý! (Ảnh: minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một góc nhìn khác về một số gia đình học sinh mà cha mẹ các em làm việc ở thành phố nhưng đang phải thuê mướn nhà cửa, chưa có hộ khẩu thường trú nơi thành phố.

Cuộc sống hiện đại, kinh tế phát triển nên hiện tượng di dân từ nông thôn đến nơi thành thị có tỉ lệ rất cao.

Một số người có trình độ, sau khi học xong cũng phải ở lại thành phố mới có thể xin được các việc làm phù hợp, người lao động phổ thông cũng phải tìm đến các khu công nghiệp mới có việc làm, mà thường các khu công nghiệp lại tập trung ở những nơi đô thị, nơi thuận tiện giao thương.

Khi họ đến với phố phường thì cũng đồng nghĩa với việc những người này sẽ lập gia đình và định cư ở thành phố, người có gia đình rồi thì cũng muốn vợ chồng sum họp bên nhau nên đưa nhau ra thành phố ở.

Có nhiều người làm ở các khu công nghiệp thì nhu cầu nhập khẩu thành phố không cần thiết, những công nhân viên chức nhà nước muốn nhập khẩu thì không có nhà nên đành lòng phải tạm trú hoặc làm khẩu KT3.

Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện con cái họ không có khẩu nơi thành phố, khi con cái đến tuổi đi học thì lại phải nhờ vả hoặc “chạy” trường.

Những năm đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 là khoảng thời gian mà các bậc cha mẹ vô cùng tủi cực, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để nhờ vả hết người này đến người khác để tìm trường cho con.

Họ không chỉ tốn về tiền bạc mà còn mất nhiều thời gian, công sức thêm cả lo lắng để xin xỏ hết giấy tờ này đến giấy tờ khác cũng chỉ mong sao cho con cái được học hành thuận tiện, gần cha mẹ.

Với tiêu chí hiện nay của ngành giáo dục (nhất là những trường ở trung tâm, trường có thương hiệu) là phải có hộ khẩu thường trú thì mới được vào học đúng tuyến, hoặc phải có tạm trú từ 3 năm mới được tuyển vào học ở các trường trên cùng địa bàn.

Chính từ những quy định khắt khe đó mà không ít các Ban giám hiệu nhà trường nơi sở tại cương quyết không nhận những học sinh khác địa bàn và những học sinh không có khẩu hộ khẩu tạm trú đúng theo hướng dẫn.

Từ đó, bắt đầu dẫn đến tình trạng tiêu cực. Người có vị thế xã hội, có mối quan hệ quen biết thì nhờ vả, những người lao động thì bắt buộc phải nhờ “cò” trung gian để chạy trường cho con.

Và, điều tất nhiên là rất tốn kém về tiền bạc mà còn phải ơn họ lâu dài. Như vậy, vô hình chung những người khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.

Ngoài ra, còn một số bậc phụ huynh có hộ khẩu thường trú tại một số huyện lân cận thành phố, nhưng cả hai vợ chồng đều công tác ở thành phố, nếu để con học đúng tuyến thì không ai đưa đón, chăm sóc và kèm cặp, nhất là khi các cháu đang học ở cấp Tiểu học.

Vì vậy, họ đành lòng họ phải gửi bán trú hoặc vào các trường công lập học một buổi còn một buổi gửi nhà thầy cô để sau khi hết giờ làm việc thì đón con về.

Với điều kiện của một bộ phận công- viên chức nhà nước hay những người làm việc lao động phổ thông ở các khu công nghiệp thì chuyện đưa con vào học tại các trường quốc tế hay tư thục là một chuyện xa vời.

Vẫn biết vào các trường công lập khó khăn và tốn kém bước ban đầu nhưng rõ ràng vào các trường công lập thì chi phí nhẹ hơn rất nhiều so với các trường khác. Vì lẽ đó mà cũng góp phần gia tăng thêm lượng học sinh trái tuyến…

Chúng ta không phủ nhận chuyện nhiều bậc phụ huynh đang cố “chạy” con em mình vào các trường điểm, trường trung tâm đã gây nên nhiều nỗi bức xúc cho xã hội.

Nhưng, trong số những người chạy trường cho con em mình có rất nhiều những bậc phụ huynh rất cần được cảm thông.

Nếu như chúng ta quá siết chặt chính sách thì một bộ phận học sinh sẽ không biết học tập ở đâu. Và tình trạng tiêu cực trong việc “chạy” trường càng được đẩy giá lên cao.

Bởi, chuyện siết chặt học đúng tuyến đã được triển khai nhiều năm nay ở một số trường trọng điểm nơi thành phố.

Tuy nhiên, hiện tượng “chạy” trường vẫn âm thầm xảy ra bởi nhiều Ban giám hiệu đã xem đây là cơ hội để “làm thêm” cho riêng mình.

Nếu phụ huynh muốn xin con học trái tuyến mà chỉ cầm hồ sơ đến xin thì chẳng đời nào được đồng ý. Nhưng nếu biết “gửi” cái gì đó thì mọi chuyện lại có kết quả tốt đẹp không ngờ.

Mong muốn con em mình được học ở trường có truyền thống dạy tốt, học tốt là một nhu cầu tất yếu của xã hội.

Việc phụ huynh, thí sinh đổ xô đến tuyển sinh tại một số trường trên địa bàn cũng là dịp để các trường còn lại nhìn nhận, đánh giá lại quá trình hoạt động của trường mình để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy.

Tuy nhiên, việc siết chặt tuyển sinh trái tuyến, nhất là ở các lớp đầu cấp của ngành giáo dục cũng cần thận trọng, linh hoạt để vừa tránh được một số học sinh chưa có hộ khẩu thường trú, chưa có nhà để làm hộ khẩu nhưng cha mẹ các em đang công tác, làm việc nơi đô thị phải thất học hoặc phải qua nhiều khâu trung gian mới xin được vào học.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP