Mức định giá của Xiaomi bị hạ xuống khoảng từ 55 tỷ đến 70 tỷ USD sau khi hoãn chào bán cổ phiếu tại Trung Quốc cho đến sau khi IPO tại Hong Kong, theo một nguồn tin của Reuters. Trước đó, Xiaomi được cho là có thể đạt giá trị 100 tỷ USD sau khi IPO.
Theo kế hoạch, Xiaomi IPO tại thị trường Hong Kong cuối tuần này. Nguồn tin từ Reuters cho biết, sự trì hoãn này do bất đồng giữa Xiaomi và các nhà quản lý về việc định giá chứng chỉ lưu ký CDR – một loại chứng khoán phát hành tại Trung Quốc.
Xiaomi nổi tiếng với việc bán smartphone hiệu năng cao, giá rẻ. Phần lớn doanh thu của công ty này đến từ Trung Quốc, với hơn 70%. Tuy nhiên, hãng này đã xâm nhập vào các quốc gia châu Á khác. Gần đây, Xiaomi đã vượt qua Samsung để trở thành hãng bán smartphone chạy nhất Ấn Độ.
Hiện tại, hãng điện thoại Trung Quốc tìm cách tái hiện thành công này tại các thị trường “già cỗi hơn” ở châu Âu và khởi động một cách mạnh mẽ. Động thái mở rộng thị trường này đến trước khi Xiaomi IPO, dự kiến sẽ mang lại cho công ty hàng tỷ USD hè này.
Khách hàng xếp hàng trước giờ khai trương tại cửa hàng Xiaomi ở Paris (Pháp) tháng trước. Ảnh:CNN |
Xiaomi hiện là hãng smartphone lớn thứ tư tại châu Âu, sau Samsung, Apple và Huawei, theo hãng nghiên cứu IDC và Canalys. Nhà sản xuất này đang cạnh tranh mạnh mẽ tại Tây Ban Nha, Hy Lạp và Nga.
Francisco Jeronimo – chuyên gia phân tích tại IDC cho rằng, những tiếng vang của Xiaomi tại châu Âu khiến ông nhớ lại những thành công của iPhone thuở ban đầu.
“Tôi chưa thấy bất kỳ nhà sản xuất nào có thể thu hút và thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng trực tiếp như Xiaomi đang thực hiện và Apple đã làm trong quá khứ”, Jeronimo nhận xét. Xiaomi đang trên đà mở rộng tại châu Âu khi ra mắt các cửa hàng tại Paris (Pháp) và Milan (Italy) cuối tháng trước.
Theo Canalys, Xiaomi bán được 2,4 triệu điện thoại tại châu Âu quý trước. Tuy nhiên, con số này còn kém xa Samsung với 15,2 triệu chiếc, Apple với 10,2 triệu chiếc và Huawei là 7,4 triệu chiếc.
“Doanh số của Xiaomi có vẻ như không lớn nhưng tỷ lệ mà họ mở rộng là rất ấn tượng trong chưa đầy một năm từ khi gia nhập thị trường châu Âu”, Ben Stanton – một nhà phân tích tại Canalys cho hay.
Duy trì tỷ lệ tăng trưởng, đặc biệt tại các quốc gia như Pháp và Anh sẽ phụ thuộc nhiều vào quan hệ của Xiaomi với các nhà mạng. Theo IDC, 50% người tiêu dùng tại Tây Âu mua smartphone thông qua nhà mạng.
Vì vậy, với Xiaomi, tăng cường mối liên kết với các nhà mạng châu Âu phức tạp hơn chiến lược bán điện thoại trực tiếp qua các kênh bán lẻ, trực tuyến hay tại các cửa hàng của hãng.
Bên cạnh đó, Xiaomi muốn giữ giá thấp khi thông báo giới hạn lợi nhuận với smartphone ở mức 5%. Vì vậy, chiết khấu mà Xiaomi áp dụng với các nhà mạng chưa thực sự tốt, làm cho họ cảnh giác khi hợp tác với hãng này, theo Jeronimo.
Hiện tại, Xiaomi đã hợp tác với nhà mạng Three của CK Hutchison. Nhờ thỏa thuận này, điện thoại Xiaomi sẽ được bán tại các cửa hàng của Three ở Anh, Ireland, Austria, Italy, Đan Mạch và Thụy Điển.
Đến nay, Xiaomi đã thành công tại châu Âu bằng cách giành thị phần từ các nhà sản xuất smartphone tầm thấp và tầm trung. Phần lớn điện thoại được bán tại khu vực này có giá dưới 235 USD.
“Những gì khách hàng muốn là một chiếc điện thoại trông giống iPhone, hoạt động như iPhone nhưng giá chỉ bằng một nửa. Xiaomi hiện đã làm được điều đó”, Jeronimo nói.
Năm tới, giới phân tích dự đoán Xiaomi sẽ tập trung mở rộng nhiều thị trường có thể nhất tại châu Âu và sản xuất smartphone đắt tiền hơn. Bên cạnh đó, hãng điện thoại này cũng quan tâm tới Mỹ khi CEO Lei Jun từng nói: “Xiaomi muốn ra mắt tại Mỹ đầu năm sau”.
Tuy nhiên, tham vọng tại Mỹ của Xiaomi sẽ khó hơn nhiều tại châu Âu. Các nhà sản xuất như Huawei và ZTE đã phải đối mặt với những thách thức lớn tại Mỹ khi bị cáo buộc các thiết bị của họ có thể ảnh hưởng tới an ninh do chịu sự chi phối của Chính phủ Trung Quốc.
Xiaomi hy vọng tránh được những sự cố này và có thể áp dụng chiến lược cho thành công tại châu Âu để định hình kế hoạch hiện diện tại Mỹ. “Châu Âu là bước đệm”, Stanton nhận định.
Tác giả: Anh Tú
Nguồn tin: Báo VnExpress