Pháp luật

Xét xử ông Trầm Bê: Đại gia Trần Bắc Hà đang ở đâu?

Nhiều đại gia được triệu tập đến tòa, trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- BIDV) đang được dư luận quan tâm.

Sáng 24-7, TAND TP HCM đã khai mạc phiên tòa xét xử bị cáo Trầm Bê (SN 1959, nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) và 43 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ án xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, BIDV, Sacombank và Tiên Phong (TPBank). Phiên tòa dự kiến được xét xử từ ngày 24-7 đến ngày 15-8.


Ông Trần Bắc Hà

Hàng loạt đại gia được triệu tập như ông Trần Bắc Hà, Trần Quí Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng nhiều đại gia là lãnh đạo, cựu lãnh đạo các ngân hàng, công ty.

Đến thời điểm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản công bố quyết định khai mạc phiên tòa thì ông Trần Bắc Hà cùng nhiều đại gia khác vẫn chưa có mặt tại tòa.

Trước đó, do bệnh ung thư gan có dấu hiệu tái phát nên ông Trần Bắc Hà đã sang điều trị bệnh, phẫu thuật lần hai tại Bệnh viện Gleneagles (Singapore). Vì thế, ông Trần Bắc Hà có đơn xin vắng mặt ở phiên tòa xử ông Trầm Bê vào đầu tháng 1-2018

Ông Trầm Bê

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh, do cần tiền để sử dụng cho mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank (1.800 tỉ đồng), TPBank (1.666 tỉ đồng) và BIDV (4.700 tỉ đồng).

Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.

Trước đó, trong 2 ngày 27 và 28-6, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ 27. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT Trung ương.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV.

Ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

Tác giả: Phạm Dũng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP