Bị cáo Trần Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh tại phiên tòa ngày 7/8/2024. Ảnh: TTXVN phát |
Cùng hầu tòa với bị cáo Hải là các bị cáo Trần Thanh Liêm (sinh năm 1975, cựu Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Thạnh), Lê Văn Khỏe (sinh năm 1979, cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất) và Phạm Văn Phương (sinh năm 1982, cựu nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất) bị xét xử tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” theo Khoản 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, năm 2015, huyện Vĩnh Thạnh trình triển khai thực hiện 3 dự án xây dựng Trường Tiểu học Thạnh Lợi 1, Trường Trung học cơ sở Thạnh Lợi và Trường Trung học cơ sở Vĩnh Bình. UBND huyện Vĩnh Thạnh thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình xây dựng 3 trường học nói trên.
Bị cáo Trần Ngọc Hải khi đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch hội đồng bồi thường. Bị cáo Khỏe là Phó Chủ tịch hội đồng, bị cáo Liêm là ủy viên hội đồng còn bị cáo Phương nằm trong tổ chuyên viên giúp việc.
Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Thạnh - chủ đầu tư 3 công trình xây dựng nêu trên đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất do bị cáo Khỏe làm Giám đốc với nội dung “tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng”.
Sau khi ký hợp đồng, Lê Văn Khỏe phân công Phạm Văn Phương và một người nữa thực hiện công tác kiểm kê, xác minh tính pháp lý việc bồi thường, hỗ trợ…, xác minh nguồn gốc sử dụng đất đối với 3 dự án trên nhưng thực tế những người này không tổ chức kiểm đếm, đo đạc.
Sau đó, Hội đồng bồi thường họp, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện báo cáo trình hội đồng về việc xét, xác định tính pháp lý về nhà, đất, vật kiến trúc… của 3 hộ dân bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển quỹ đất không báo cáo về việc các hộ này có trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất bị thu hồi hay không, có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp hay không… Ngoài ra, thành viên hội đồng dự họp không ai có ý kiến gì về nội dung báo cáo.
Căn cứ tờ trình của hội đồng bồi thường, Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Trần Thanh Liêm không tổ chức họp hội đồng thẩm định mà tự ký các tờ trình tham mưu UBND huyện ban hành các quyết định về việc thu hồi đất, phê duyệt kinh phí bồi thường… cho các hộ gia đình.
Căn cứ tờ trình trên, bị cáo Trần Ngọc Hải khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đã ký các quyết định thu hồi đất và phê duyệt kinh phí bồi thường cho 3 hộ dân. Theo đó, 3 hộ được bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm gần 4 tỷ; thưởng giao mặt bằng 15 triệu đồng.
Quá trình điều tra xác định, cả 3 hộ dân nói trên đều có nghề nghiệp ổn định, cư trú ngoài phạm vi huyện Vĩnh Thạnh, không trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp bị thu hồi...
Cáo trạng quy kết việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho 3 hộ bị thu hồi đất không đúng quy định đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 4 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TTXVN phát |
Khi các dự án đang được thanh tra, Phạm Văn Phương đã thu hồi số tiền gần 4 tỷ đồng và Trung tâm Phát triển quỹ đất đã nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra thành phố từ giữa năm 2018.
Cáo trạng cáo buộc hành vi của Trần Ngọc Hải thực hiện thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, do thiếu kiểm tra, tin tưởng vào vai trò tham mưu của cấp dưới trong quá trình xét hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất không đúng đối tượng khi Nhà nước thu hồi đất, gây thiệt hại cho ngân sách.
Trong phần khai mạc phiên tòa, do vắng mặt người liên quan là đại diện UBND huyện Vĩnh Thạnh nên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ và các luật sư đều thống nhất đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng sự vắng mặt của đại diện UBND huyện Vĩnh Thạnh ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án nên đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào ngày 20/8.
Nguồn tin: Báo Tin tức