Nhân ái

Xé lòng nhìn cảnh mẹ già 70 tuổi nuôi 3 đứa con tâm thần ở Nghệ An

“Đứng lại. Mả cha mi. Mi có đứng lại không? Tau giết chết mi”... tiếng la hét, tiếng cười khanh khách, tiếng bước chân rượt đuổi vẫn ám ảnh chúng tôi sau khi rời khỏi căn nhà bà Bình.

Vừa dựng xe chưa kịp chào hỏi, một cô gái chui ra từ trong lùm chuối cười điên dại. Người phụ nữ già hét lên: “Chạy đi”. Theo phản xạ tự nhiên, chúng tôi chạy và bắt đầu cuộc rượt đuổi.

Chạy theo chúng tôi là cô gái đầu tóc bù xù, quần áo lấm lem, lúc thì cười, lúc thì chửi làm náo loạn cả con đường làng vùng thôn quê. Tôi chạy trước, cô gái theo sau và cuối là người phụ nữ già. Tôi vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ cắm đầu chạy trong sợ hãi. Sau một quãng đường dài đối phương mệt đi, bớt la, bớt cười rồi dừng hẳn lại, ngồi bệt bên vệ đường và khóc.

Cô gái trên tên là Lĩnh, một trong 3 người con bị bệnh tâm thần của bà Nguyễn Thị Bình ở xóm 6, xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Năm nay chị đã ngoài ba mươi nhưng vẫn chơi đùa như một đứa trẻ con và có thể phát khùng, phát dại bất cứ lúc nào. Thật không may khi tôi đến cũng là lúc bệnh tình chị tái phát.

dsc 4602 2217
Hình ảnh người mẹ và cô con gái sau cuộc rượt đuổi.

Không như những gia đình khác vùng thôn quê. Chồng bà Bình mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đi ở đợ nhà người ta, khi lấy bà về thì ông trở thành ở rể. Là con gái không được chia ruộng, sau ngày cưới chồng, hai vợ chồng sống cảnh ly biệt vì ông đi làm xa để mưu sinh kiếm sống. Một mình bầu bí, thai nghén rồi sinh nở, 4 đứa con của ông bà lần lượt ra đời là Lê Thị Phương (SN1975), Lê Thị Thức (SN 1979), Lê Thị Lĩnh (SN 1983) và Lê Văn Đình (SN 1985).

Những biến động liên tiếp nhau xảy ra kéo dài thêm chuỗi ngày “bất hạnh” của cuộc đời bà. Đầu tiên là sự ra đi của người chồng, người cha, người trụ cột chính của gia đình.

Sau nỗi đau mất chồng, bà Bình tự gắng gượng đứng lên để nuôi con thơ, chờ ngày chúng trưởng thành để cuộc đời đỡ khổ. Ấy thế nhưng niềm hy vọng đó chưa kịp nhen nhóm đã tắt ngóm khi 3 trong 4 người con của bà lần lượt trở nên ngớ ngẩn rồi mất trí hẳn.

Không tin vào sự thật, không chấp nhận nỗi đau, bà Bình vay mượn đủ đường đưa các con đi thăm khám khắp nơi. Thấy ai chỉ bảo chỗ nào bà cũng đưa các con đi, rồi đến đền cha, miếu mẹ để cúng bái nhưng bệnh tình của các con không những không khỏi mà ngày càng nặng thêm.

Mới đầu, chỉ 2 người con là Lê Thị Thức và Lê Thị Lĩnh phát bệnh, cậu con trai út , anh Lê Văn Đình là chỗ dựa cuối cùng để bà gắng gượng bám víu vào. Tốt nghiệp lớp 9 anh vào miền nam làm thuê để giúp mẹ trang trải cuộc sống và hỗ trợ tiền thuốc thang chữa bệnh cho hai chị.

Chịu khó chắt bóp, gom góp anh gửi về cho mẹ một ít tiền để sửa sang lại ngôi nhà tranh đã quá rách nát cho vững chắc hơn. Đến năm 2007, sau khi bà Bình vay mượn thêm, ngôi nhà được sửa nhưng chưa kịp hoàn thiện cũng là lúc Đình phát bệnh. Kể từ đây, cậu thanh niên đôi mươi nhanh nhẹn bỗng khù khờ, sợ tiếp xúc với người lạ, gầy quắt lại và mất hẳn khả năng lao động.

dsc 4544 2228
Anh Đình mất hẳn khả năng lao động.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bà Bình trở nên chai sạn với nó. Không chấp nhận số phận, mặc kệ số nợ đã lên đến hàng chục triệu đồng, người phụ nữ tiếp tục vay mượn họ hàng, làng xóm để đưa người con trai út đi chạy chữa.Theo thời gian bệnh anh Đình vẫn không có dấu hiệu nhẹ đi. Rồi bà quen hẳn với tiếng cười điên dại của Lĩnh, tiếng la hét mỗi lúc lên cơn động kinh của Thức và bộ dạng gầy quắt thiểu năng của Đình.

Bà Bình chia sẻ: "Trong 3 người con bị bệnh thì con Lĩnh là đứa bị bệnh nặng nhất. Ngoài việc mất trí nhớ, khi lên cơn nó đập hết mọi thứ xuất hiện trước mặt. Đồ đạc trong nhà đều phải sử dụng đồ nhựa chứ không nó đập vỡ cả thì tiền mô mà mua”

dsc 4525 2232
Ngoài 30 tuổi cô gái vẫn chơi đồ hàng như một đứa trẻ.

Hàng tháng mỗi người con của bà Bình được nhận 360 ngàn đồng từ khoản tiền trợ cấp của nhà nước. Đây cũng là khoản tiền cứu sống 4 mẹ con bà những năm tháng qua. Nhà có 4 miệng ăn mà chỉ có 2,2 sào ruộng, mỗi năm cũng chỉ làm được một vụ lúa. Giờ đây, bà Bình ngày càng yếu đi trong khi bệnh tình của ba đứa con vẫn không thuyên giảm.

Bà Nguyễn Thị Nga trưởng xóm nơi gia đình bà Bình sinh sống bộc bạch: “Trong thời gian đầu người dân, các chi hội trong xóm có quyên góp để hỗ trợ chi phí đi viện. Nhưng mãi không thấy thôi, mọi người cũng không có điều kiện nên chỉ tận tình hỏi thăm và thỉnh thoảng cho cân gạo, mớ rau giúp đỡ thêm. Bà Bình nói đất của nhà bà bị ma ám, xin xã cấp cho miếng đất khác.”

Tôi hỏi thêm về chuyện cấp đất bà Nga nói thêm: “Xã không cho, ai mà biết được ở mô có ma hả chị. Đất của nhà nước chứ riêng gì của xã đâu mà muốn cấp thì cấp.”

19h, căn bếp vẫn lạnh tanh vì bà vừa đi ngoài đồng về. Được tin có người đến tìm thì bác hàng xóm mới điện thoại cho con gái đầu của bà, chở bà về để gặp tôi. Tôi bảo cháu về để bác nấu cơm cho anh chị, bà đáp: “Có chi mà nấu mô cháu, bắc nồi cơm lên bếp rồi ra vườn ngắt ít ngọn cải vào luộc. Có mấy quả trứng gà thì phải để dành để khi bọn nó lên cơn thì luộc rồi nhét thuốc an thần vào trong. Chứ giờ không đủ sức để lôi con Lĩnh lại để nó không đánh anh, đánh chị nữa” Bà vừa nói vừa lôi cái áo lên cho tôi xem vết bầm tím vẫn còn do con gái mình đánh.

dsc 4585 2236
Giấy xác nhận khuyết tật của anh Đình.

Gần 70 mùa xuân của cuộc đời, khi mọi bà mẹ có lẽ đã an hưởng tuổi già và nhận sự phụng dưỡng từ con cái thì bà Bình vẫn đang làm việc vất vả để kiếm đồng tiền mưu sinh cho cuộc sống và lo thuốc thang cho 3 đứa con tội nghiệp. Không biết rồi khi cuộc đời không cho bà sống nữa thì chị Thức, anh Đình, chị Lĩnh sẽ ra sao? Có lẽ hàng đêm câu hỏi đó vẫn luôn thường trực trong đầu người mẹ già đầy bất hạnh.

Tác giả bài viết: Thu Hà - Nguyễn Thơm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP